LỖI 1: Cha mẹ luôn cuống cuồng bởi tiếng khóc và xem tiếng khóc là dấu hiệu của điều xấu
Nhiều nhất là các bà mẹ nuôi con dưới 6 tháng tuổi. Chú ý đến vấn đề trẻ khóc như một dấu hiệu bất thường là đúng, nhưng không phải là quá rập khuôn. Không phải lúc nào trẻ khóc cũng là vấn đề. Bạn tin không? 2/3 số lần trẻ khóc với các bé dưới 3 tháng tuổi là bình thường, là chỉ để giao tiếp và cần bạn yêu thương. Vậy mà, 2/3 bà mẹ ôm nỗi lo lắng về bệnh tật hoặc bé bị đói mỗi ngày vào mỗi lần bé khóc.
LÀM GÌ KHI TRẺ KHÓC? Trẻ dưới 6 tháng tuổi, khóc chỉ là cách trẻ giao tiếp và cho bạn biết những điều trẻ cần. Đương nhiên, hãy kiểm tra xem nhiệt độ, trạng thái sức khỏe, độ linh động của trẻ khi nghe tiếng khóc. Nếu mọi thứ ổn thì hãy ôm trẻ vào lòng và sau đó cho trẻ bú là ổn. Trẻ trên 6 tháng tuổi, khóc có thể phức tạp hơn vì trẻ đã phát triển nhiều về tâm lý. Hãy tìm hiểu xem nguyên nhân sự khóc là gì. Nếu là liên quan đến bệnh lý thì phải có những dấu hiệu khác đi kèm, không chỉ là tiếng khóc. 1 cái kẹp nhiệt độ sẵn trong nhà là cần thiết để hiểu ngay tiếng khóc có liên quan gì đến viêm nhiễm không.
LỖI 2: Cân nặng là thước đo sự khỏe mạnh của trẻ. Luôn suy nghĩ là trẻ phải tăng cân mỗi tháng, tháng sau nhiều hơn tháng trước.
Đây là một lỗi không ít cha mẹ mắc phải, đặc biệt là cha mẹ VN. Tôi thăm khám cho cha mẹ VN ở Anh, đa số các bạn đều hỏi tôi: Sao tháng này bé không tăng cân? Cân nặng như vậy có sao không ạ?
Hơn 80% cha mẹ chưa hiểu rõ về tăng trưởng của trẻ, vẫn mang suy nghĩ là trẻ phải nằm trên chỉ số 50th trong hệ bách phân của biểu đồ tăng trưởng của WHO mới là bình thường. Thực tế, chỉ cần bé nằm trong khoảng từ 3rd-97th cũng được xem là bình thường. Hơn nữa, có những thời điểm bé sẽ tự điều chỉnh cân nặng để bé phát triển tốt hơn: Ví dụ tháng trước bé tăng cân nhiều, thì có thể 2 tháng sau đó bé đứng cân hoặc tăng chậm hơn.
Sự thông minh hoặc khoẻ mạnh của trẻ không chỉ đánh giá dựa trên cân nặng. Nhiều bé cân nặng luôn vượt yêu cầu, nhưng vẫn phải lo ngại bé bị suy dinh dưỡng thể phù hoặc bị béo phì đó thôi.
LỖI 3: Con tôi sao âm ấm hoài?
Nhiều cha mẹ chỉ đánh giá sự sốt của trẻ thông qua cảm nhận âm ấm của lòng bàn tay. Điều này rất nguy hiểm đối với bé nhỏ, nhiệt độ chưa chắc ấm bàn tay nhưng đã là sốt. Do đó, đây là cách kiểm tra quá chủ quan và không chính xác. 1 cái kẹp nhiệt độ là cần thiết vì sẽ giải tỏa nỗi lo lắng của bạn ngay, thay vì chỉ dùng bàn tay.
LỖI 4: Trẻ con cần gì đánh răng.
Hình như cha mẹ nào cũng quan tâm đến sâu răng của trẻ, nhưng rất ít cha mẹ quan tâm đến đánh răng sớm cho trẻ ngay khi có cái răng đầu tiên. Nhiều bạn chỉ dùng nước hoặc nước muối chùi/chà để vệ sinh răng cho trẻ mặc dù trẻ đã mọc răng. Có bạn đến 2 tuổi mà cũng chỉ xúc miệng cho trẻ bằng nước.
Lời khuyên của Viện Hoàng Gia nhi khoa Anh và Viện Hàn Lâm Nhi khoa Mỹ: Hãy đánh răng cho trẻ bằng kem chứa fluoride ngay khi trẻ có cái răng đầu tiên. Và hãy làm điều này 2 lần/ngày để hạn chế sâu răng và giúp răng phát triển khỏe mạnh.
Tính đến nay, chỉ có kem chứa fluoride được chứng minh là có hiệu quả ngăn ngừa sâu răng và ức chế enzyme của vi khuẩn sâu răng.
Cách lựa chọn kem đánh răng chứa lượng fluoride và lượng kem dùng như thế nào phù hợp độ tuổi? Các bạn có thể đọc bài viết của tôi về đánh răng cho trẻ.
LỖI 5: Rụng tóc, đổ mồ hôi ban đêm và chậm mọc răng là nỗi lo thiếu vi chất dinh dưỡng, chẳng hạn như canxi.
Đối với trẻ nhỏ, bú sữa bình thường, tăng trưởng tốt thì đa phần các vấn đề này là những điều kiện sinh lý bình thường ở trẻ. Ví dụ, khi nằm ở 1 vị trí khá lâu thì việc tóc vùng đó khó phát triển hoặc rụng đi là việc rất bình thường. Khi trẻ vận động tốt hơn, lăn lộn hơn khi ngủ thì tự nhiên tóc mọc lại. Do đó, đôi lúc việc lo lắng thái quá là không cần thiết.
LỖI 6: Trẻ ọc sữa/thức ăn hay trẻ ói, cha mẹ đều lo lắng như nhau.
Ói là triệu chứng của bệnh lý, ọc sữa/thức ăn đôi lúc chỉ là biểu hiện rất thông thường với trẻ dưới 1 tuổi. Ói thường xảy ra 30-45 phút sau ăn/bú nếu liên quan đến 1 sự nhiễm tạp khuẩn đường ruột. Ói đi kèm với nhiều cái khác như sốt, mệt mỏi, quấy khóc. Ọc sữa/thức ăn thì chỉ đơn giản trẻ quá no hoặc ăn quá nhiều 1 lúc hoặc trẻ quá nhỏ. Thường ọc không đi kèm triệu chứng khác.
Cách xử lý đơn giản: bế bé lên vai, vỗ nhẹ lưng vài cái, xoa xoa lưng 20-30 phút, rồi cho bé ăn ở tư thế ngồi thằng hoặc bú tư thế ngồi là được.
LỖI 7: Vàng da sinh lý là do thiếu vitamin D hoặc mẹ ăn nhiều carrot.
Vàng da sinh lý thường xảy ra ở các bé sau sinh, trong vòng 24 giờ và có thể kéo dài sau đó nhiều ngày. Hiện tương này là do dư bilirubin, một sản phẩm thoái hóa của hemoglobin khi vỡ hồng cầu, không liên quan gì đến Vitamin D hoặc dư vitamin A do mẹ ăn nhiều carrot. Vàng da sinh lý thường gặp nhất ở các bé sinh đôi hoặc nhẹ cân.
Điều trị vàng da sinh lý là cho bé bú mẹ thường xuyên thì ngưỡng bilirubin sẽ giảm. Nếu không giảm thì cần phải chiếu đèn, phải dùng một loại đèn có bước sóng ánh sáng thích hợp.
Vàng da sinh lý rất dễ trở nặng nếu bilirubin vượt cao và trở nên bệnh lý. Nếu thấy mức độ vàng da ngang bụng thì nên đưa bé vào bệnh viện để được hỗ trợ.