Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) hay còn gọi trào ngược axit dạ dày là một bệnh tiêu hóa mãn tính thường gặp, gây ra chứng ợ nóng, ợ hơi, ợ chua hay khó tiêu.
Bình thường, sau khi thức ăn được đưa vào miệng sẽ xuống đến thực quản, các cơ thắt thực quản mở ra để cho thức ăn cùng các chất lỏng đi vào dạ dày rồi lại đóng lại. Các nguyên nhân gây ra tình trạng trên gồm: giãn tạm thời, giảm áp lực cơ thắt thực quản dưới, nhu động thực quản quá yếu, cấu tạo giải phẫu của thực quản bất thường… Các chất dịch trong dạ dày như HCl, pepsin, dịch mật... trào ngược lên thực quản, kích thích niêm mạc thực quản, gây ra các triệu chứng và biến chứng của bệnh.
Bệnh có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào, tuy nhiên nhóm người được xem là có nguy cơ cao mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản bao gồm:
Phụ nữ mang thai: đặc biệt trong 3 tháng cuối của thai kỳ, khi tử cung mở rộng sẽ chèn ép vào bộ phận tiêu hóa gây ra các triệu chứng trào ngược.
Người có chế độ ăn uống và thói quen không lành mạnh như ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều chất béo, dầu mỡ, uống nhiều rượu bia, ăn khuya, nằm ngay sau khi ăn...
Người hút thuốc lá: sẽ giảm bài tiết nước bọt, giảm trương lực cơ thắt thực quản dưới, kích thích niêm mạc dạ dày.
Người có bất thường về cấu trúc: người bị thoát vị hoành, liệt dạ dày...
Người thừa cân, béo phì
Người có căng thẳng trong công việc và cuộc sống sẽ khiến cho cơ thể tăng tiết cortisol - gây tăng axit trong dạ dày, tăng trương lực co bóp của dạ dày, đẩy dịch từ dạ dày trào ngược lên thực quản. Thêm vào đó, căng thẳng còn gây rối loạn nhu động thực quản khiến cho cơ thắt thực quản dưới trở nên nhạy cảm, dẫn đến việc giãn mở cơ diễn ra thường xuyên làm dịch vị trào ngược từ dạ dày lên thực quản.
Trào ngược dạ dày thực quản nếu diễn tiến trong thời gian dài, không được điều trị đúng cách sẽ gây ra nhiều biến chứng, thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.
Theo Bệnh viện Đa khoa Hà Nội