Giá đỗ, đặc biệt là giá đỗ xanh là món ăn quen thuộc của nhiều gia đình. Nếu sản xuất an toàn (ngân ủ tự nhiên, không dùng hóa chất kích thích) thì giá đỗ là thực phẩm bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe. Loại rau này cũng được dùng làm thuốc để phòng và điều trị một số chứng bệnh.
Tuy nhiên, tùy vào loại đậu làm giá mà giá đỗ có các công dụng khác nhau như: giá đỗ xanh được dùng cho người bị viêm thanh quản mất tiếng, béo phì, đái tháo đường, bệnh tim mạch; giá đỗ tương dùng cho người bị bệnh dạ dày, gan thấp nhiệt xơ cứng, mỡ máu cao; giá đỗ đen dùng cho để trị chứng tê thấp, gân co rút, bổ khí, nhuận da, mạnh ngũ tạng; giá đậu đỏ chữa lậu thai (mang thai có lúc bị ra máu); giá đậu phộng tốt cho người thiếu máu, suy nhược, lao phổi sinh đàm…
Dưới đây là 6 món ăn, đồ uống bổ dưỡng từ giá đỗ đã được giới thiệu trong cuốn sách Chữa bệnh bằng rau, củ, quả và động vật mà bạn đọc nên tham khảo.
Nước cốt giá đỗ xanh: Giá 150g, chanh tươi 1 quả, đường cát 20g; giá đỗ nghiền lấy nước, vắt chanh, cho đường vào uống cùng chữa tiểu rắt, nước tiểu vàng, khát nước.
Cá lóc nấu canh chua giá đỗ: Cá lóc 1 con 500g, giá đỗ xanh 150g, cà chua 1 quả 100g, quả me 70g, gia vị vừa đủ. Món canh này trị chứng tiểu ít, vàng đục…
Canh giá tương nấm: Giá đỗ tương 250g, nấm tươi 50g, muối, bột ngọt vừa đủ. Món canh này có tác dụng bổ dưỡng sau ốm, sau đẻ.
Canh giá tương tiết lợn: Giá đỗ tương 250g, tiết lợn 250g, hành thái nhỏ 10g, tỏi 12 nhánh, nghệ thái nhỏ 5g, rượu, gia vị vừa đủ. Món canh này dùng để bồi bổ cơ thể chữa thiếu máu.
Giá xào rau cần thịt nạc: Giá đỗ xanh 200g, rau cần 200g, thịt heo nạc 100g, trứng gà 1 quả, bột năng dầu gừng muối tùy ý; xào chín là được. Món ăn này có tác dụng bổ khí huyết, trừ thấp. hạ huyết áp.
Sữa giá đỗ: Lấy đỗ xanh mới nảy mầm khoảng 3-4 hạt, giã nát hòa với sữa mẹ, gạn lấy nước cho uống để chữa chứng trẻ sơ sinh không chịu bú.