1. Bệnh nhân sốt xuất huyết cần tăng cường dinh dưỡng
Theo ThS. BS Vũ Mạnh Cường - Phụ trách điều hành khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện E, bệnh nhân sốt xuất huyết cần được khám và hướng dẫn theo dõi điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa. Trong trường hợp có dấu hiệu nặng cần được điều trị tích cực tại cơ sở y tế.
Trong trường hợp bệnh ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể theo dõi, điều trị ngoại trú tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Lưu ý theo dõi thân nhiệt, khi có sốt cần mặc quần áo thoáng, không đắp chăn kín, lau nước ấm giúp hạ sốt (nhiệt độ nước chườm thấp hơn nhiệt độ cơ thể lúc đang sốt khoảng 1-2 độ). Nếu sốt trên 38,5 độ C, dùng thuốc paracetamol để hạ sốt theo đúng liều lượng cân nặng (10-15mg/kg/4-6h).
Cần lưu ý tuyệt đối không sử dụng Aspirin và Ibuprofen để hạ sốt. Hai loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng chảy máu ở người bệnh trầm trọng hơn, có thể gây xuất huyết dạ dày rất nguy hiểm.
Bệnh nhân cần uống nhiều nước, bù nước bằng dung dịch osezol pha theo chỉ dẫn, nước trái cây, nước cháo muối…
Cần theo dõi tình trạng sức khỏe, tái khám thường xuyên từ ngày thứ 3 của bệnh để theo dõi số lượng tiểu cầu và phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường có thể chuyển biến nặng để có biện pháp điều trị kịp thời.
Bệnh sốt xuất huyết hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do đó bên cạnh việc điều trị triệu chứng, chế độ dinh dưỡng cũng rất quan trọng giúp nâng cao thể trạng, sức đề kháng cho bệnh nhân, giảm nguy cơ bị bệnh nặng, giúp người bệnh nhanh hồi phục hơn.
Khi bị mắc sốt xuất huyết, cơ thể rất mệt mỏi, sức đề kháng giảm sút nên nên việc bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý với những thực phẩm giàu protein là rất cần thiết để cơ thể phục hồi.
Các món ăn nên nấu dưới dạng lỏng và mềm như cháo, súp để người bệnh dễ ăn và dễ hấp thu hơn.
2. Thực phẩm giàu protein giúp người bệnh nhanh phục hồi
Protein là thành phần chính cấu tạo nên các tế bào và mô mới cho cơ thể. Để duy trì một cơ thể khỏe mạnh, tái tạo và phục hồi các tế bào và mô là vô cùng quan trọng.
Protein cũng cho phép cơ thể sản xuất các kháng thể mà nó cần để chống lại sự xâm nhập của virus và vi khuẩn.
Vì vậy, tăng cường thực phẩm giàu protein có thể giúp người bệnh sốt xuất huyết bổ sung các chất dinh dưỡng bị mất trong đi trong quá trình bị bệnh, thúc đẩy quá trình hồi phục cơ thể.
Thực phẩm giàu protein lành mạnh bao gồm: thịt nạc, thịt gia cầm, cá, trứng, sữa, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, các loại hạt...
3. Một số thực phẩm giàu protein tốt cho người bệnh sốt xuất huyết
3.1. Thịt gà
Thịt gà là nguồn cung cấp năng lượng và dinh dưỡng tuyệt vời. Thịt gà chứa nhiều protein và chất xơ, đây là hai chất dinh dưỡng quan trọng nhất mà cơ thể cần khi có các triệu chứng sốt, mệt mỏi.
Thịt gà còn là nguồn cung cấp các vitamin A, E, C, B6, B12, B1, B2, PP; các khoáng chất như canxi, phốt pho, sắt selen, đặc biệt là kẽm giúp duy trì hệ miễn dịch của cơ thể hoạt động một cách bình thường, từ đó ngăn được sự hoạt động của các virus gây bệnh.
Các món ăn chế biến từ thịt gà như cháo gà, súp gà, canh gà… có vị thơm ngon, dễ ăn, dễ tiêu lại giàu chất dinh dưỡng nên rất phù hợp cho người bị ốm, sốt, mệt mỏi như sốt xuất huyết.
Những món ăn này sẽ cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể để phục hồi. Bên cạnh đó, đây cũng là một nguồn cung cấp chất lỏng và chất điện giải, phòng ngừa cơ thể mất nước khi bị sốt.
3.2. Cá
Cá là một trong những thực phẩm tốt nhất cho sức khỏe vì nó chứa nhiều chất dinh dưỡng quan trọng, đặc biệt là protein, các vitamin và khoáng chất khác nhau.
Cá được coi là một trong những thực phẩm tốt cho tim mạch. Nhiều nghiên cứu quan sát lớn cho thấy, những người ăn cá thường xuyên có ít nguy cơ bị đau tim, đột quỵ và tử vong do bệnh tim.
Trong chế độ ăn lành mạnh, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên chúng ta nên ăn cá ít nhất 2 lần một tuần, đặc biệt là các loại cá béo giàu axit béo omega-3. Các loài cá béo là những loài cá tốt nhất giàu axit béo omega-3 và vitamin D bao gồm: cá hồi, cá ngừ, cá trích, cá thu, cá cơm, cá mòi…
3.3. Trứng
Trứng rất giàu protein và các chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe như: chất béo, các vitamin A, B2, B5, B12, folate, phốt pho, selenium...
Hầu hết các chất dinh dưỡng đều tập trung trong lòng đỏ trứng. Lòng trắng trứng chủ yếu bao gồm protein. Lòng trắng cũng giàu khoáng chất dinh dưỡng như niacin, kali, riboflavin và magie, tốt cho sức khỏe tổng thể.
3.4. Sữa
Sữa là nguồn cung cấp protein và các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể như canxi, các vitamin và khoáng chất. Sữa cũng rất dễ hấp thu nên cần được ưu tiên trong chế độ ăn của người bệnh sốt xuất huyết.
Trong đó sữa bò có thành phần dinh dưỡng ấn tượng: Giàu protein chất lượng cao, chất béo, các vitamin và khoáng chất quan trọng như canxi, phốt pho và vitamin B.
Sữa chua là chế phẩm từ sữa nên có đầy đủ thành phần các chất dinh dưỡng như sữa. Ăn sữa chua còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường hấp thu các chất dinh dưỡng, tăng cường sức khỏe đường ruột, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể, thúc đẩy nhanh quá trình hồi phục sau khi ốm.
Đối với những loại sữa có nguồn gốc từ thực vật dù lượng protein cung cấp sẽ không được cao như sữa có nguồn gốc từ động vật như sữa bò nhưng cũng rất tốt. Vì bên cạnh lượng protein và chất xơ dễ tiêu hóa, sữa các loại hạt cũng chứa chất béo không bão hòa (có nhiều trong hạnh nhân), giúp giảm lượng cholesterol có hại cho cơ thể.
3.5. Các loại hạt
Các loại hạt và sản phẩm có nguồn gốc từ chúng là nguồn cung cấp protein rất tốt. Các loại hạt cũng là nguồn cung cấp chất xơ, chất béo lành mạnh, sắt, canxi, magiê, selen, phốt pho, vitamin E và một số loại vitamin B tốt cho sức khỏe.
3.6. Rau và trái cây giàu protein
Các loại rau và trái cây không chỉ là một nguồn cung cấp protein thực vật mà nó đặc biệt giàu vitamin và khoáng chất giúp cơ thể người bệnh sốt xuất huyết sản sinh lượng tiểu cầu nhiều hơn.
Các loại rau chứa nhiều protein nhất bao gồm: bông cải xanh, rau chân vịt, măng tây, atisô, khoai tây, khoai lang… Những loại trái cây chứa nhiều protein nhất bao gồm: ổi, dâu tằm, dâu đen, chuối…
Một trong những biến chứng hay gặp khi bị sốt xuất huyết là giảm tiểu cầu. Số lượng tiểu cầu trong bệnh sốt xuất huyết giảm vì các tế bào máu bị ảnh hưởng bởi virus gây tổn thương tiểu cầu. Vì vậy, ThS. BS Vũ Mạnh Cường khuyên người bệnh nên ăn một số loại thực phẩm có tác dụng hỗ trợ giúp tăng tiểu cầu trong máu như: Quả chà là, quả mơ, lựu, kiwi, đu đủ, ổi; hàu; ngũ cốc toàn phần;
Các loại thực phẩm giàu vitamin C (cam, rau bina, súp lơ xanh...); Thực phẩm giàu folate (măng tây, ngũ cốc, cam và rau bina); Thực phẩm giàu vitamin A (bí đỏ, cà rốt, khoai lang...); Thực phẩm giàu vitamin B12 (cá hồi, thịt bò, thịt gà, cá ngừ, gà tây...); Thực phẩm giàu axit béo omega-3: (hạt lanh, óc chó, cá và rau bina); Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa (quả mâm xôi, quả nam việt quất, quả dâu tây, quả óc chó...); Thực phẩm giàu vitamin K (gan, cải xoăn, trứng); Thực phẩm giàu chất chống viêm (rau, ngũ cốc nguyên hạt, đậu hữu cơ...).