Thông thường, ợ nóng sẽ xuất hiện vào 6 tháng cuối thai kỳ - khoảng thời gian thai nhi phát triển mạnh mẽ nhất. Theo đó nguyên nhân dẫn đến chứng ợ nóng hay còn gọi là chứng trào ngược axit xảy ra với phần lớn các mẹ bầu do sự thay đổi nội tiết tố trong thời gian mang thai. Ngoài cảm giác vị chua, đắng ở miệng, mẹ bầu bị ợ nóng còn cảm thấy nóng rát ở phần ngực dưới và cuống họng. Theo đó, các hormone progesterone sẽ làm giãn cơ tử cung hỗ trợ cho sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, cơ chế này lại vô tình làm giãn van dạ dày, khiến một lượng nhỏ axit tràn ra gây cảm giác nóng ran.
Không chỉ vậy, sự phát triển không ngừng của bé cưng cũng góp một phần nhỏ lên việc chèn ép dạ dày, đẩy các dịch vị trào ngược lên. Vì vậy, đây là chứng bệnh khiến các mẹ bầu cảm thấy vô cùng khó chịu và mệt mỏi, thậm chí dẫn đến tình trạng chán ăn. Tình trạng này kéo dài sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của mẹ bầu cũng như sự phát triển của bé trong bụng mẹ. Tuy nhiên, mẹ bầu có thể áp dụng một số mẹo dưới đây để cải thiện tình trạng ợ nóng nhanh chóng.
Chia nhỏ bữa ăn
Khi bị ợ nóng thì việc duy trì một chế độ ăn hợp lý sẽ giúp ngăn chặn tình trạng bệnh trong suốt quá trình mang thai. Theo đó, việc "nạp" cùng lúc một lượng lớn thức ăn khiến cho dạ dày phải làm việc quá tải, tăng áp lực lên bụng, khiến cho chứng ợ nóng càng thêm trầm trọng. Do đó, thay vì ăn 3 bữa một ngày, mẹ bầu hãy chia nhỏ 6 bữa một ngày, mỗi bữa chỉ nên ăn tới mức vừa đủ no. Điều này sẽ giúp dạ dày của bạn tiêu hóa các bữa ăn nhỏ này dễ dàng hơn. Tuy nhiên, vẫn phải duy trì đầy đủ các chất dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn để thai phát triển tốt.
Hạn chế một số loại thực phẩm
Để chứng ợ nóng không trở nên trầm trọng, mẹ bầu cần loại bỏ hấp thụ các loại thực phẩm chứa nhiều axit như: Cam, chanh, quýt, cà chua, mơ, hay những thực phẩm cay, nóng, nhiều dầu mỡ, thức uống có ga, caffein,...
Tăng cường hấp thụ thực phẩm dạng lỏng
So với thực phẩm dạng rắn, thực dạng lỏng sẽ di chuyển qua dạ dày nhanh hơn nên thường ít gây khó chịu, dễ tiêu hóa hơn. Vì vậy, tình trạng ợ nóng cũng được cải thiện hơn rất nhiều. Súp, sinh tố, sữa chua, sữa lắc… là những thực phẩm dạng lỏng nhưng có hàm lượng protein cao, phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của mẹ bầu. Bên cạnh đó, nhai chậm và kĩ để thức ăn rắn trở lên mềm hơn, dễ tiêu hóa hơn cũng là một cách tốt để hạn chế cơn ợ nóng.
Ngủ đúng cách
Để tránh chứng ợ nóng, bà bầu không nên ăn bất cứ thứ gì ít nhất trước 3 giờ trước khi đi ngủ. Nâng cao đầu và nằm nghiêng bên trái sẽ hạn chế lượng axit từ dạ dày trào ngược lên. Việc làm này sẽ khiến axit khó đi từ dạ dày lên thực quản hơn nên bạn cũng tránh được những cơn ợ nóng.
Nhờ sự trợ giúp của bác sĩ
Khi chứng ợ nóng trở nên trầm trọng hơn và không có dấu hiệu thuyên giảm, thì mẹ bầu nên nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị đúng cách. Theo đó, bác sĩ sẽ tư vấn bạn sử dụng một số loại thuốc kháng axit chứa canxi. Tuy vậy, không nên dùng quá nhiều vì canxi trong thuốc có thể ngăn cản hấp thu sắt. Do đó, không nên uống thuốc này chung với các vitamin bổ sung. Đặc biệt, mẹ bầu tuyệt đối không được tự ý mua thuốc uống vì một số tác dụng phụ không mong muốn của thuốc có thể gây nguy hại cho thai nhi.