Khi mới bắt đầu tập ăn, mẹ nên cho bé ăn các loại thức ăn mới dần dần, từng loại tại một thời điểm trong trường hợp bé bị dị ứng thực phẩm. Nếu cho bé dùng một lượt nhiều thực phẩm mới lạ, bạn khó xác định được bé dị ứng với loại thực phẩm.
Mỗi khi cho bé ăn một món mới, bạn nên chờ 3 – 5 ngày rồi mới thêm một món khác vào thực đơn.
Dị ứng sữa
Dị ứng sữa là một trong những dạng dị ứng phổ biến, đặc biệt ở những trẻ đang trưởng thành. Các chuyên gia cho biết, trẻ bú mẹ hoàn toàn thường ít có khả năng dị ứng sữa hơn so với các bé sử dụng sữa công thức. Hầu hết các bé bị dị ứng với sữa bò đều có phản ứng tương tự với các loại sữa động vật khác như sữa dê, sữa cừu.
Trẻ bị dị ứng sữa thường có các triệu chứng như buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, thở khò khè, nổi mẩn ngứa, mề đay.
Dị ứng trứng
Trứng là thực phẩm bổ dưỡng nhưng dễ gây dị ứng cho trẻ nhỏ. Triệu chứng dị ứng với trứng có thể bao gồm phát ban, nổi mề đay, viêm mũi, nôn mửa hoặc các vấn đề tiêu hóa khác. Nguy hiểm hơn, nó có thể gây ra sốc phản vệ đe dọa đến tính mạng.
Dị ứng hải sản có vỏ
Các loại hải sản có vỏ như tôm, cua, sò, ốc... rất dễ gây dị ứng đối với trẻ nhỏ. Trẻ dị ứng với tôm, cua thường cũng bị dị ứng với các loại nhuyễn thể như trai, sò, ốc, hến, ngao, mực... Một số trẻ bị dị ứng trong một thời gian nào đó nhưng cũng có bé bị dị ứng cả đời.
Dị ứng đậu nành
Cũng giống như dị ứng với sữa bò, trẻ dị ứng với sữa đậu nành thường có các triệu chứng phát ban, sổ mũi, thở khò khè, tiêu chảy, nôn… do đạm đậu nành gây ra. Các loại sữa này thường có thành phần đạm và axit amin thủy phân. Do vậy, trẻ dị ứng đậu nành vẫn có thể an toàn với dầu nành do thành phần chứa rất ít đạm.