Mang thai, sinh con là niềm hạnh phúc đối với mỗi người mẹ vậy nhưng trong thời điểm vượt cạn, chị em sẽ phải trải qua không ít "nỗi kinh hoàng". Đó không chỉ là cơn đau chuyển dạ kéo dài hàng tiếng đồng hồ mà còn là những vấn đề khiến ai trải qua rồi cũng ám ảnh.
Khám trong
Khám âm đạo (hay còn gọi là khám trong) là thủ thuật thường được thực hiện với bà bầu đã xuất hiện cơn co chuyển dạ hoặc với những trường hợp quá ngày dự sinh. Để thực hiện khám âm đạo, bác sỹ đeo găng tay vô trùng và đưa tay vào bên trong âm đạo kiểm tra cổ tử cung đã mở được bao nhiêu phân.
Dù đây là quá trình thăm khám bắt buộc nhưng cũng khiến nhiều sản phụ “ngượng chín mặt”, nhất là khi được thăm khám bởi bác sỹ nam.
"Phô bày" cơ thể
Một vấn đề khác khiến các chị em, đặc biệt là người sinh con lần đầu lo lắng khi chuẩn bị sinh là việc phải "phô bày" thân thể trước sự chứng kiến của các y bác sĩ. Nếu sinh thường, mẹ sẽ được mặc áo còn sinh mổ thì sẽ được khỏa thân hoàn toàn.
Đặt ống thông tiểu
Trước khi mổ lấy thai, để tránh nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra trong khi phẫu thuật, phụ nữ sẽ được bác sĩ đặt ống thông tiểu vào niệu đạo. Ban đầu, mẹ sẽ cảm thấy ngứa ran và sau đó là khó chịu vì có dị vật trong người. 24 giờ sau sinh, mẹ sẽ được tháo ống thông tiểu. Tuy nhiên, nếu sau sinh mẹ vẫn bị khó đi tiểu thì cần duy trì ống thông thêm một thời gian nữa.
Đi vệ sinh không tự chủ
Khi em bé di chuyển sâu xuống kênh sinh, đầu sẽ gây áp lực trực tiếp lên trực tràng, khiến mẹ dễ thấy buồn tiểu tiện hoặc đại tiện.
Khi đang trong quá trình sinh nở, mẹ cũng khó có thể tập trung kiểm soát vấn đề này nên việc vô tình "xả chất thải" trên bàn sinh không phải chuyện hiếm gặp.
La hét mất hết hình ảnh
Khi đang "hưởng thụ" cơn đau đẻ trong truyền thuyết, nhiều mẹ sẽ không kiềm chế được mà la hét, mắng chửi, thậm chí là đánh chồng. Lúc đó chắc hẳn mẹ cũng không quan tâm nhưng sau khi sinh nghĩ lại thì có thể cảm thấy ngượng ngùng vì mất hết hình tượng.