Lợi ích mà chúng mang lại còn được kể đến nhiều vô kể. Đông y tôn vinh các món nước này như những loại ‘nước thần’ có tác dụng như: thanh loc cơ thể, tăng sức đề kháng và giảm bớt bệnh tật. Các loại nước này rất tốt cho sức khỏe, chúng được chỉ ra sẽ giúp lá gan - cơ quan quan trọng của cơ thể khỏe mạnh để nuôi dưỡng các tế bào bên trong tươi trẻ hơn bao giờ hết.
Vốn rất dễ tìm kiếm và thực hiện, chúng ta có thể tận dụng các món nước uống có lợi này mỗi ngày:
Rau má
Vốn là loại rau cực kì quen thuộc. Trong đó, tác dụng chính của nước rau má được nhắc đến chính là hạ hỏa, mát huyết, ngăn ngừa táo bón và cung cấp nhiều chất bổ dưỡng cho cơ thể. Loại nước này cũng được coi là một loại thuốc bổ dưỡng để có sức khỏe tốt như: tăng trí nhớ, thị lực vì rau má có tác dụng sát trùng giải độc, thanh nhiệt lương huyết.
Mùa hè, với những người bị mẩn ngứa (nổi mề đay), có thể lấy khoảng 50g rau má tươi, rửa sạch, giã dập, hãm với nước sôi 200 ml như hãm chè tươi, uống trong ngày. Hoặc bạn có thể xay và lọc nước rau má, kết hợp với đậu xanh sẽ là món nước giải nhiệt, mát gan tuyệt vời.
Một số lưu ý khi dùng rau má:
- Không uống nước rau má thay nước lọc. Mỗi ngày chỉ nên uống khoảng 40g rau má.
- Không uống rau má khi đang dùng thuốc tây (thuốc gây buồn ngủ, thuốc chống co giật, thuốc trị mất ngủ và các thuốc chống trầm cảm…) vì sẽ giảm tác dụng.
- Phụ nữ mang thai không nên dùng nước rau má.
- Khi uống nước rau má thì hạn chế ra nắng vì trong rau má có các hoạt chất phản ứng rất nhạy cảm với ánh nắng mặt trời
Trà bí đao
Vốn là loại nước dân gian quen thuộc và chứa trong nó đặc tính tốt cho sức khỏe. Thành phần chính của bí đao là nước, không có chất béo và hàm lượng natri cũng vô cùng thấp. Bí đao không chỉ giúp giải nhiệt, làm mát gan mà còn giảm béo tốt, cấp nước cho da căng mọng. Lượng vitamin C dồi dào trong bí đao không chỉ giúp tăng cường miễn dịch mà còn là một thành phần quan trọng trong quá trình sản xuất collagen, giúp da đẹp mịn.
Theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), trong Đông y, bí đao có tính mát, vị ngọt, không độc giúp thanh nhiệt giải độc, kiện tỳ, ích khí trừ phiền, chỉ khát lợi tiểu, tiêu thũng.
Bí đao có thể nấu nước trực tiếp hoặc phơi khô thành trà.
Nấu bí đao tươi: Bí rửa cho thật sạch, không gọt vỏ mà tiến hành cắt khoanh nhỏ, sau đó rửa lại với nước. Nên chọn bí già vì bí xanh khi nấu sẽ cho hậu chua nhẹ, không ngon như bí già. Nấu bí cùng 3 lít nước, thục địa. Khi bí gần nhừ ta cho thêm ngò dương và lá dứa vào nồi, ninh nhỏ lửa cho đến khi bí nhừ hẳn thì vớt ra. Dùng dụng cụ ép bí để lấy hết nước ra. Lược nước bí qua rây để bỏ đi những cặn và xác nguyên liệu. Thêm một tí muối để vị được đậm đà. Cho nước bí đao vào tủ lạnh để bảo quản và dùng trong khoảng 3 ngày sau khi nấu.
Nấu bí đao dạng khô: Bí đao rửa sạch, để khoảng 20 phút cho ráo nước. Dùng dao bào thái mỏng từng lát mà không gọt vỏ. Sau khi thái lát, bạn xếp bí đao lên mâm/rổ rồi đem phơi ngoài nắng. Chú ý tránh xếp chồng các miếng bí lên nhau để bí được khô đều. Phơi bí khoảng 2 – 3 ngày, sau đó đem lên sao trên bếp lửa lớn. Khi bí đao khô hoàn toàn là trà đã được. Cất giữ bí khô trong tủ lạnh hoặc nơi thoáng mát tránh ẩm mốc. Khi cần dùng, bạn cho miếng bí khô vào ly, đổ nước sôi vào hãm như trà bình thường là được.
Trà atiso
Trà atiso là một loại thức uống quen thuộc nhưng không kém phần hiệu quả trong việc bài tiết chất độc trong gan, làm mát gan, hạn chế các biểu hiện nóng gan. Đây là một loại thực phẩm vô cùng lành tính, phù hợp cho mọi đối tượng ở nhiều lứa tuổi khác nhau.
Uống Atiso hằng ngày không những giúp thải độc gan mà còn làm đẹp da, hạn chế lượng mỡ thừa trong cơ thể.
Bạn có thể sử dụng trà atiso như sau:
Bông atiso bạn chẻ làm đôi, bỏ phần cuống dài, loại bỏ phần nhụy bên trong hoa rồi rửa thật sạch với nước. Bắc nồi lên bếp, đổ vào khoảng 1.5 lít nước, cho bông atiso, táo đỏ và kỷ tử vào và nấu dưới lửa nhỏ trong 30 phút đến khi các bẹ lá của bông atiso mềm, táo đỏ và kỷ tử nở hết là được.
Bạn có thể dùng nồi áp suất để rút ngắn thời gian và có thể chọn kết hợp thêm một số nguyên liệu như: lá dứa, hạt chia, đường phèn.
Lưu ý khi uống:
- Sau khi pha xong là phải uống hết trong ngày, nếu không trà sẽ bị lên men dễ gây đau bụng, khó chịu.
- Nếu bạn có thói quen pha trà để mang đi làm, đi học thì nên bảo quản trà trong bình giữ nhiệt. Và ngoài ra, bạn nên lựa bông atiso ở những nơi uy tín, tránh hàng kém chất lượng.
Nước đậu xanh
Theo BS Đông y Nguyễn Hữu Trường (Phòng chẩn trị Y học cổ truyền Y Tâm Đường, Hoóc Môn, TP. HCM), trong Đông y, đậu xanh có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi niệu, tiêu khát, thanh nhiệt.
Nhờ tính chất mát, giải độc hiệu quả, đậu xanh là thực phẩm dưỡng gan, giúp gan khỏe mạnh đồng thời trị mụn trứng cá, đồng thời tăng cường sức khỏe giúp da ngày càng mịn màng.
Bạn chỉ cần cho nước và đậu xanh vào trong nồi, đun trên bếp với lửa nhỏ, đun sôi đến khi đậu xanh nở ra thì tắt bếp. Lúc này bạn lọc bỏ phần xác đậu xanh và uống nước, có thể thêm chút đường hoặc muối tùy khẩu vị.
Nước dừa
Được biết đến là loại thức uống thiên nhiên cung cấp nước, khoáng chất cho cơ thể một cách dồi dào. Điều này giúp gan hoạt động tốt hơn và nước dừa còn có tác dụng kháng khuẩn nhẹ, tăng hiệu quả trao đổi chất, kích thích miễn dịch nên giúp cho hệ tiêu hóa hoạt động tốt.
Bạn có thể uống nước dừa tươi, là một trong những loại nước được chuyên gia khuyến khích thay cho các loại nước uống có cồn hoặc các loại nước có gas.
Tuy nhiên, bạn nên lưu ý không nên uống nước dừa vào buổi tối (gây đầy bụng). Sau khi đi ngoài trời nắng về uống nước dừa từng chút một (tránh uống quá nhiều sẽ dẫn đến các triệu chứng: ớn lạnh, đầy bụng, hâm hấp sốt hoặc sốt cao).
Các chuyên gia khuyên chỉ nên xem nước dừa như nước giải khát, không nên uống quá nhiều trong 1 thời gian dài. Đồng thời, một số người mắc bệnh thận, người bị phù ứ nước trong cơ thể nên cẩn thận và chú ý khi sử dụng. Những người bị bệnh trĩ, huyết áp thấp, thấp khớp, mệt tim do lạnh cũng nên kiêng nước dừa vì nước dừa thuộc âm, tính hàn gây phản ứng với các thể trạng hàn.