Thận là cơ quan quan trọng, chịu trách nhiệm chính trong việc lọc các chất thải của quá trình trao đổi chất trong cơ thể như urê, creatinine, axit... và tạo ra nước tiểu.
Khi chức năng thận bị suy yếu, nó khiến sức khỏe suy giảm, ảnh hưởng hiệu suất công việc và chất lượng cuộc sống hàng ngày. Suy giảm chức năng thận không ngoại trừ một ai, từ người trẻ đến người cao tuổi.
Bác sĩ Bùi Thanh Hiếu, khoa Thận Nhân tạo, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, cảnh báo về 4 nhóm người có nguy cơ cao bị suy thận nhất, gồm: người mắc bệnh lý mạn tính; người thường xuyên lạm dụng các loại thuốc, thực phẩm chức năng; người mắc các bệnh lý tự miễn và nhóm có lối sống, sinh hoạt kém lành mạnh.
Người mắc bệnh mạn tính
Người có sẵn các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, cao huyết áp… là nhóm dễ suy giảm chức năng thận.
Ở bệnh nhân tiểu đường, lượng đường trong máu cao có thể gây tổn thương các dây thần kinh báo hiệu khi bàng quang đầy, theo Quỹ Thận Canada. Bàng quang đầy có thể khiến nước tiểu trào ngược vào thận và gây tổn thương thêm cho bộ lọc của thận.
Ngoài ra, lượng đường huyết cao còn làm tắc nghẽn tất cả mạch máu, bao gồm cả các bộ lọc của thận kể cả khi đã sử dụng insulin. Nếu không được điều trị, tình trạng này có thể dẫn đến tổn thương nặng hơn hoặc suy thận.
Trong khi đó, huyết áp cao kéo dài, không được điều trị sẽ làm giảm lưu lượng máu vào các bộ lọc của thận, dễ dẫn đến bệnh thận mạn tính. Ngược lại, thận cũng sản xuất một loại hormone giúp kiểm soát huyết áp. Khi thận bị tổn thương hoặc suy yếu, hormone này có thể tăng cao và gây ra huyết áp cao và càng khiến thận tổn thương thêm.
Lạm dụng thuốc
Nhóm người sử dụng thuốc giảm đau, đông y, thực phẩm chức năng… không rõ nguồn gốc, nếu sử dụng không đúng liều lượng hoặc không được chỉ định của bác sĩ, khả năng tăng độc tính lên thận cao và dẫn đến suy thận.
Theo India Times, các loại thuốc giảm đau không kê đơn như NSAID (thuốc chống viêm không steroid) có thể làm giảm cơn đau đầu, đau bụng hay viêm khớp nhanh chóng. Tuy nhiên, điều này lại gây hại cho thận, đặc biệt nếu bạn đã mắc bệnh thận.
Theo Tổ chức Thận Quốc gia Mỹ, có tới 1-3% trường hợp suy thận mạn tính mới mỗi năm là do lạm dụng thuốc giảm đau.
Trong khi đó, những người mắc bệnh thận nên thận trọng hơn khi sử dụng các chất bổ sung thảo dược, đông y vì chúng có thể tương tác với các loại thuốc trị thận và làm cho vấn đề về thận trở nên tồi tệ hơn. Thậm chí, có một số loại thảo dược bổ sung mà người bệnh thận nên tránh ở bất kỳ giai đoạn nào của bệnh.
Người mắc bệnh tự miễn
Theo Healthline, các bệnh tự miễn dịch, bệnh cầu thận như lupus ban đỏ, hội chứng thận hư… khiến hệ thống miễn dịch của cơ thể người tấn công nhầm các tế bào khỏe mạnh. Một số tình trạng này có thể làm hỏng thận.
Một số bệnh tự miễn dịch gây viêm và sưng tấy trong mạch máu, do đó, thận không thể loại bỏ các chất thải hiệu quả. Một số khác gây ra các khối u tắc nghẽn, gọi là u hạt, hình thành trong thận và các cơ quan khác.
Có lối sống kém lành mạnh
Bác sĩ Hiếu cho biết một số sai lầm của người trẻ như uống nước ít, làm việc cật lực cũng sẽ tăng áp lực lên thận, dẫn đến suy thận. Khi uống quá ít nước, quá trình lưu thông máu ở thận sẽ không được đảm bảo, đồng thời khả năng đào thải, lọc các khoáng chất ra ngoài cũng bị giảm đi. Lâu ngày dẫn đến sỏi tích tụ và tạo gánh nặng cho thận, khiến thận suy yếu.
Điều cực kỳ quan trọng là uống đủ lượng nước để điều chỉnh dòng chất lỏng trong thận, theo Hindustan Times. Điều này đã được Tổ chức Thận Quốc gia Mỹ liệt kê là một yêu cầu thiết yếu để có sức khỏe thận tối ưu.
Ngoài việc uống ít nước, người trẻ làm việc văn phòng thường có thói quen ngồi nhiều, lười vận động. Ngồi trong thời gian dài, ít vận động thể chất ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của thận.
Nguyên nhân là hoạt động thể chất nhiều sẽ giúp máu lưu thông tốt, cải thiện huyết áp và chuyển hóa glucose, cả 2 yếu tố quan trọng đối với sức khỏe của thận.