Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho biết, bệnh viện này đang điều trị cho hai chị em ruột cùng mắc bệnh ung thư buồng trứng. Đó là trường hợp chị N.T.S. (sn 1968, ở Hà Nội), hiện đang là giảng viên một trường đại học.
Theo chia sẻ của chị S., chị tình cờ phát hiện mắc ung thư buồng trứng vào năm 2015 khi đi khám sức khỏe cùng cơ quan. Trước đó, chị S. năm nào cũng đi khám sức khỏe nhưng lại chủ quan không siêu âm tổng quát nên không phát hiện ra bệnh.
Đáng chú ý, khi chị chẩn đoán mắc ung thư buồng trứng, em gái chị là Nguyễn Thị H. (SN 1971) đi khám cũng phát hiện mắc căn bệnh này. Sau đó, 2 chị em cùng đi phẫu thuật cắt u tại Bệnh viện Phụ sản Trung Ương, kết quả sinh thiết là u ác tính, ung thư buồng trứng giai đoạn 1. Trong đó, tình trạng của chị S. nặng hơn, cần phải tiến hành hóa trị nên được chuyển sang Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội.
Chị S. cho biết, trong 4 tháng nhập viện truyền hóa chất, cuộc sống của gia đình chị bị xáo trộn khá nhiều, mọi người phải thay phiên nhau vào viện chăm sóc, công việc của chị cũng bị gián đoạn một thời gian. Tuy nhiên, sau khi chị được các bác sĩ xác định tình trạng sức khỏe đã ổn và cho xuất viện, mọi thứ nhanh chóng trở lại trật tự.
Từ năm 2016 đến nay, hai chị em chị S. cứ 3 tháng lại đi kiểm tra sức khỏe 1 lần, các kết quả đều rất khả quan. Do tuân thủ điều trị, ăn uống sinh hoạt khoa học nên hiện tại hai chị em chị S. hoàn toàn khỏe mạnh, vẫn đi làm và có cuộc sống bình thường.
Ngoài hai chị em mắc bệnh đang điều trị, chị S. còn có một người em gái ruột đang định cư ở Mỹ. Khi được các bác sĩ tư vấn đây là bệnh có yếu tố di truyền, chị đã nhanh chóng nhắn em gái đi khám sức khỏe. Quả nhiên, chị Thúy H. cũng nhận được kết quả chẩn đoán có u ở buồng trứng, may mắn trường hợp này là u lành tính.
Qua câu chuyện của mình, chị S. hy vọng có thể nhắn nhủ tới mọi người về tầm quan trọng của việc khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư, đặc biệt là với những người có yếu tố nguy cơ. Bởi ung thư nếu được phát hiện sớm, khả năng chữa khỏi là rất cao.
Các bác sĩ Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho biết, ung thư buồng trứng là ung thư đường sinh dục thường gặp thứ hai sau ung thư cổ tử cung và cũng là ung thư đường sinh dục gây tử vong cao thứ hai sau ung thư cổ tử cung.
Ở Việt Nam, ung thư buồng trứng là một trong những bệnh có tỷ lệ mắc và tử vong cao hàng đầu ở nữ giới. Ung thư buồng trứng xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân liên quan đến yếu tố di truyền. Ví dụ điển hình là trường hợp 3 chị em chị S. cùng mắc căn bệnh này.
Theo các bác sĩ, đây là một trường hợp khá điển hình của ung thư buồng trứng có nguyên nhân do yếu tố gia đình. Nếu trong nhà có mẹ hoặc chị em gái mắc bệnh, những người nữ giới còn lại cũng là đối tượng có nguy cơ cao, cần được tầm soát ung thư định kỳ để phát hiện sớm.
Tiên lượng thời gian sống của người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư buồng trứng phụ thuộc vào giai đoạn của ung thư khi nó được phát hiện. Người được chẩn đoán bệnh ở giai đoạn sớm có cơ hội chữa khỏi cao hơn, đồng thời, giảm chi phí cũng như các tác dụng phụ mang lại trong quá trình điều trị so với những người được chẩn đoán muộn.
Nguyên nhân gây ung thư buồng trứng:
- Tiền sử gia đình: Những người có quan hệ huyết thống như mẹ, chị, em gái ruột mắc bệnh ung thư buồng trứng. Trong gia đình có người mắc ung thư vú, ung thư đại tràng cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư buồng trứng.
- Tiền sử bản thân: Những phụ nữ có tiền sử mắc bệnh ung thư vú và ung thư đại tràng có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao hơn
- Tuổi: Khả năng phát sinh ung thư buồng trứng tăng cao theo tuổi, hầu hết xuất hiện ở độ tuổi trên 50 và tăng cao ở những người trên 60 tuổi.
- Mang thai và sinh con: Những phụ nữ đã từng mang thai và sinh con thì nguy cơ thấp hơn so với những người chưa từng sinh con. Sinh càng nhiều con thì nguy cơ càng thấp.
- Sử dụng thuốc kích thích phóng noãn: Có thể làm tăng nhẹ nguy cơ mắc ung thư buồng trứng. Tuy nhiên là vẫn còn đang trong quá trình nghiên cứu.
- Điều trị hormon thay thế: Điều trị hormon thay thế sau khi mãn kinh tăng nguy cơ.
Các dấu hiệu sớm của bệnh bao gồm:
- Cảm giác khó chịu, đau ở vùng bụng dưới
- Rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, tiêu chảy hay táo bón
- Thường xuyên đi tiểu do tăng áp lực đè ép vào bàng quang
- Ăn kém, cảm giác đầy bụng kể cả sau một bữa ăn nhẹ
- Tăng hoặc giảm cân không rõ nguyên nhân.
- Chảy máu âm đạo bất thường sau mãn kinh, thay đổi bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt.
- Đau khi quan hệ tình dục.