Đó là trường hợp của bé N.T.U. (14 tuổi, ngụ tại quận 3, TPHCM) vừa được tiếp nhận, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á. Cô bé được chuyển tới bệnh viện trong tình trạng bị gãy xương đùi phải sau cú trượt té gần 1 tháng trước nhưng việc can thiệp sau tai nạn không được như kỳ vọng, nguy cơ để lại di chứng.
Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ phía gia đình ghi nhận, từ khi mới được 8 tháng tuổi, bệnh nhi đã bị gãy xương. Các kết quả kiểm tra sau đó xác định bé mắc bệnh lý xương thủy tinh ít gặp. Từ đó đến nay, dù đã rất cố gắng chăm sóc và bảo vệ nhưng bé T.U. vẫn đối mặt với vô số lần bị gãy xương ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống. Sau khi hội chẩn, thay vì thực hiện phương pháp kéo, nắn xương, bó bột như các bệnh nhân bình thường khác, các bác sĩ quyết định thực hiện cuộc phẫu thuật ghép xương đùi cho bệnh nhi.
BS.CKII. Phan Văn Tiếp, chuyên gia lĩnh vực Chấn thương Chỉnh Hình Nhi cho biết, đây là ca phẫu thuật khá phức tạp vì xương của bệnh nhi đã bị gãy nhiều lần, lại rất mềm. Ê kíp phẫu thuật đã tiến hành rạch da 15cm trên đoạn gãy, bộc lộ xương sau đó cắt xương nhiều đoạn đồng thời khoan rộng lòng tủy và xếp lại xương cho thẳng trục cố định bằng các dụng cụ y khoa.
Bệnh nhi được bác sĩ tiến hành ghép xương tự thân theo phương pháp Sofield và khâu da từng lớp. Qua nhiều giờ khẩn trương trong phòng mổ các bác sĩ đã thực hiện thành công việc xếp lại xương và ghép xương cho bệnh nhân. Sau phẫu thuật, bệnh nhân không cần bó bột, có thể đi nạng, chống nhẹ chân đau, sức khỏe của bệnh nhi hồi phục tốt.
BS Văn Tiếp cho biết: “Những trẻ bị bệnh xương thủy tinh là do sự bất thường về gen và có tính di truyền, trẻ bị mất yếu tố tạo xương nên xương giòn dễ gãy. Gãy xương ở bệnh nhân xương thủy tinh là một dạng gãy xương đặc biệt, không thể điều trị như gãy xương thông thường. Vì xương trẻ rất mềm, không thể dùng các dụng cụ gắp xương thông thường, trong quá trình phẫu thuật cho trường hợp trên, chúng tôi phải dùng tay để giữ xương nhẹ nhàng tránh làm nát xương của trẻ”.
Từ trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo, khi chẳng may trẻ bị gãy xương, người sơ cứu cần làm một chiếc nẹp bằng gỗ để cố định phần xương bị gãy, sau đó mới đưa trẻ đến bệnh viện. Bệnh nhân xương thủy tinh cần được đưa đến bệnh viện có chuyên khoa Chấn thương Chỉnh hình Nhi để điều trị, vì nếu không được điều trị đúng có thể làm lệch xương gây dị tật cho bé và khó khăn cho việc đi lại sau này.
Để hạn chế tối đa những rủi ro khi trẻ tham gia các hoạt động cộng đồng, vui chơi, học tập, những gia đình có con mắc bệnh xương thủy tinh phải cẩn trọng, cần nhắc nhở các bé hạn chế chạy nhảy, tránh trơn trượt. Khi trẻ đến trường, phụ huynh cần thông báo với giáo viên tình trạng bệnh của trẻ, nhằm tránh xảy ra những chấn thương đáng tiếc hoặc khi trẻ không may gặp chấn thương ở trường, thầy cô đã biết bệnh lý của trẻ cũng sẽ có những phương án hỗ trợ hợp lý và kịp thời.