Đó là trường hợp bé K. (7 ngày tuổi) vừa được các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển, Uông Bí (Quảng Ninh) tiếp nhận, điều trị. Khi nhập viện bé K. ở trong tình trạng vàng da, bỏ bú, quấy khóc, dấu hiệu xoắn vặn.
Gia đình cho biết, bé K. chào đời bằng phương pháp sinh thường, đủ tháng. Sau sinh 3 ngày, gia đình có thấy da của trẻ hơi vàng nhưng do tâm lý chủ quan, trẻ đã không được tắm nắng cũng như đi khám kịp thời. Đến ngày thứ 7 trẻ có biểu hiện vàng da đậm, quấy khóc nhiều, bỏ bú gia đình mới cho trẻ đi khám.
Bác sĩ Vương Thị Hào - Trưởng khoa Sơ sinh cho biết, trẻ nhập viện với nồng độ Bilirubin rất cao (720 µmol/l) và được chẩn đoán vàng da nhân não tiên lượng nặng. Nguyên nhân là do trẻ không được gia đình đưa đi khám và điều trị kịp thời.
Sau khi tiến hành khám và dựa vào kết quả xét nghiệm, trẻ được chẩn đoán vàng da nhân não do tăng Bilirubin gián tiếp tiên lượng nặng. Trẻ được chỉ định thay máu. Theo nhận định của các bác sĩ, việc điều trị cho trẻ gặp rất nhiều khó khăn hoặc có thể để lại di chứng bại não, thậm chí tử vong.
Để tránh những biến chứng có thể xảy ra, bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh cần phân biệt rõ vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý để sớm có hướng điều trị cho trẻ.
Theo đó, đối với vàng da sinh lý xuất hiện 24 giờ sau sinh. Đối với vàng da sinh lý, trẻ tỉnh, phản xạ nhanh nhẹn, bú mẹ tốt. Mức độ vàng da nhẹ ở vùng mặt, ngực, bụng (phía trên rốn).
Đối với vàng da bệnh lý ở trẻ thường xuất hiện trước 24 giờ sau sinh. Bệnh có biểu hiện vàng đến cổ tay, cổ chân, lòng bàn tay, lòng bàn chân có thể kèm theo các dấu hiệu bú kém hoặc bỏ bú, co giật. Bệnh sẽ không hết sau 1 tuần đối với trẻ sinh đủ tháng và 2 tuần đối với trẻ sinh thiếu tháng. Lúc này các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đến khám để có hướng điều trị kịp thời.
Bác sĩ Hào cho biết, dấu hiệu cần đưa trẻ đến cơ sở y tế khám và tìm nguyên nhân của bệnh vàng da kịp thời. Cụ thể: trẻ bị vàng da xuất hiện trước 48 giờ sau sinh, vàng da đến lòng bàn tay, bàn chân ở bất kỳ ngày tuổi nào, vàng da kéo dài trên 1 tuần đối với trẻ đủ tháng và trên 2 tuần đối với trẻ thiếu tháng, trẻ vàng da kèm theo các dấu hiệu bất thường: bú kém, bỏ bú… Trẻ có yếu tố nguy cơ mắc bệnh rối loạn chuyển hóa như tăng sản thượng thận bẩm sinh, thiếu men G6DP…
Cũng liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, nếu trẻ bị vàng da không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ rất nguy hiểm, để lại những di chứng rất nặng nề.
Đặc biệt, trẻ bị vàng da sơ sinh bệnh lý không được điều trị kịp thời, chỉ trong 7 ngày đầu đời, chất bilirubin sẽ qua hàng rào máu não gây hội chứng vàng da nhân não, để lại nhiều di chứng về thần kinh hết sức trầm trọng mà không thể phục hồi như điếc, chậm phát triển về vận động và trí tuệ. Theo vị chuyên gia này, thời gian vàng để điều trị hiệu quả cho trẻ mắc bệnh vàng da chỉ trong 7 ngày đầu sau sinh bằng biện pháp chiếu đèn hoặc phối hợp truyền dịch. Nếu để muộn hơn thời gian này thì da bé dày hơn và phương pháp chiếu đèn sẽ không còn hiệu quả.
GS Nguyễn Tiến Dũng hướng các bước phát hiện trẻ sơ sinh bị vàng da:
- Tập trung theo dõi sát con trong 7 ngày đầu đối với tất cả các trẻ sinh non hoặc sinh thường.
- Dùng ngón tay trỏ ấn nhẹ trên mặt da của trẻ, sau đó giữ vài giây và quan sát độ vàng của da ở vùng da vừa mới ấn.
- Quan sát da trẻ theo thứ tự từ trên xuống dưới: Bắt đầu từ trán – ngực – bụng – đùi – cẳng chân.
- Nếu chỉ thấy vàng da từ trán xuống ngực thì không cần cho trẻ đi khám, chỉ cần theo dõi ở nhà.
- Nếu thấy trẻ vàng da đến bụng hoặc đến đùi, cẳng chân thì cần phải đưa trẻ đến cơ sở khoa Nhi có khoa sơ sinh để khám ngay. Tại đây các bác sĩ sẽ đánh giá sâu hơn bằng hình thức khám lâm sàng và xét nghiệm định lượng bilirubin trong máu
Lưu ý: Đánh giá vàng da ở trẻ sơ sinh dưới ánh sáng tự nhiên (ánh sáng ngoài trời). Không nên quan sát dưới ánh đèn neon hoặc đèn thường vì sẽ không xác định được rõ trẻ có vàng da hay không.