Sau 8 tháng đại dịch Covid-19 hoành hành, vào ngày 25/8, thế giới đã xác nhận trường hợp tái nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên, đây là một người đàn ông Hong Kong, 33 tuổi, trẻ và khỏe mạnh. Vào hôm nay, tại châu Âu cũng đã xác nhận thêm một vài trường hợp tái nhiễm SARS-CoV-2.
PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với BS Nguyễn Trung Cấp – Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, để mang đến góc nhìn chuyên sâu hơn về vấn đề này.
Thế giới vừa liên tiếp ghi nhận các trường hợp tái nhiễm SARS-CoV-2. Vậy như thế nào là tái nhiễm SARS-CoV-2, thưa ông?
Tái nhiễm là trạng thái một bệnh nhân đã khỏi hẳn bệnh, sau một thời gian vẫn bị mắc lại bệnh đó.
Cơ sở chắc chắn nhất để khẳng định một bệnh nhân tái nhiễm SARS-CoV-2 là khi bệnh nhân đó từng nhiễm Covid-19, đã đủ tiêu chuẩn xác định khỏi bệnh, một thời gian dài sạch virus. Sau đó, bị nhiễm bệnh lại và nuôi cấy virus có mọc lại. Tức là lần nhiễm sau bệnh nhân đó mang virus sống chứ không phải mảnh xác virus tồn lưu từ lần nhiễm trước.
Việt Nam cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính sau khi đã được công bố khỏi bệnh và được gọi là các ca tái dương tính. Vậy tái dương tính và tái nhiễm khác nhau như thế nào, thưa ông?
Tái dương tính là trạng thái một bệnh nhân đang trong quá trình tiến triển của bệnh, đã có những giai đoạn xét nghiệm âm tính, nhưng lại xuất hiện những lần xét nghiệm dương tính sau đó.
Hiện tại, RT-PCR là phương pháp chính dùng để xét nghiệm khẳng định nhiễm SARS-CoV-2 ở Việt Nam. Do xét nghiệm chỉ xác định được ARN của virus (là một mảnh trong cấu trúc của virus) nên có những trường hợp bệnh nhân đã khỏi bệnh, virus chết rồi, nhưng còn những mảnh “xác” tồn lưu trong mô và bệnh phẩm lấy được, nên xét nghiệm RT-PCR vẫn cho ra kết quả dương tính và được coi là trường hợp tái dương tính.
Cần lưu ý rằng, trong những trường hợp bệnh nhân có xét nghiệm RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2 sau khi đã âm tính nhiều lần, thầy thuốc phải chỉ định làm nhiều lần xét nghiệm, phối hợp các xét nghiệm khác nhau như: xét nghiệm kháng nguyên, kháng thể, nuôi cấy virus,… tổng hợp cùng các yếu tố lâm sàng và dịch tễ khác để khẳng định bệnh nhân đã khỏi bệnh/chưa khỏi bệnh/tái dương tính/tái nhiễm.
Những ca tái dương tính virus SARS-CoV tại Việt nam cũng như nhiều nước trước đây đã được nuôi cấy virus và đều không mọc. Bên cạnh đó, xét nghiệm trong máu họ có kháng thể bảo vệ. Đây là bằng chứng khẳng định những ca này tái dương tính chứ không phải tái nhiễm.
Hệ miễn dịch thường sinh ra kháng thể với virus sau khi khỏi bệnh. Ông có thể giải thích tại sao có trường hợp tái nhiễm SARS-CoV-2?
Đúng là hệ miễn dịch của chúng ta thường sinh ra kháng thể với virus sau khi khỏi bệnh. Nhưng kháng thể này có giúp bảo vệ cơ thể lâu dài hay không thì còn tùy theo từng loại virus và từng cá thể người bệnh.
Cụ thể, có những loại virus mà hệ miễn dịch có thể tạo được kháng thể suốt đời như: sởi, đậu mùa, quai bị. Nhưng cũng có loại virus, mà chúng ta chỉ tạo được kháng thể trong thời gian ngắn hơn, hoặc thậm chí rất ngắn như cúm hoặc có kháng thể nhưng không diệt sạch được virus như: viêm gan C, HIV,….
Khả năng tạo kháng thể mạnh hay yếu cũng tùy vào đặc tính riêng của từng người. Do SARS-CoV-2 chỉ mới xuất hiện, nên người ta vẫn chưa nghiên cứu được ca tái nhiễm Covid-19 do đặc tính chung của virus này hay do đặc điểm miễn dịch riêng của người đó.
Ông từng chia sẻ về một nghiên cứu chỉ ra kháng thể của con người sản sinh để đáp ứng với SARS-CoV-2 chỉ có thể tồn tại trong vòng vài tháng. Liệu đây có phải là “giới hạn an toàn” của những người đã được chữa khỏi Covid-19?
Một số tác giả ở Hà Lan đã nghiên cứu trên các chủng coronavirus thường gây bệnh cảm lạnh (họ hàng gần với SARS-CoV-2) trong nhiều năm và nhận thấy sau mỗi lần nhiễm bệnh, cơ thể đều sinh kháng thể nhưng các kháng thể này thường suy giảm chỉ sau vài tháng. Trung bình họ sẽ tái nhiễm lại cảm lạnh hàng năm. Hiện tượng này xuất phát từ việc các coronavirus này có đặc tính gây miễn dịch không bền.
Quay trở lại với trường hợp của SARS-CoV-2, người ta cũng nhận thấy rằng, sau vài tháng, mức kháng thể ở các bệnh nhân đã được chữa khỏi bị suy giảm khá nhanh. Tuy nhiên, SARS-CoV-2 có tái nhiễm nhanh chóng như các họ hàng của chúng gây bệnh cảm lạnh hay không thì hiện nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng.
Nhìn từ thực tế lâm sàng của các bệnh lý truyền nhiễm khác, liệu việc điều trị trường hợp tái nhiễm SARS-CoV-2 có khó khăn hơn so với ca mắc mới không, thưa ông?
Rất nhiều bệnh sau khi nhiễm lần đầu có thể có miễn dịch lâu bền nên bảo vệ cơ thể không bị tái nhiễm hoặc khi nhiễm lần sau sẽ nhẹ hơn. Nhưng cũng có những trường hợp tạo miễn dịch rất yếu và ngắn nên những lần nhiễm sau cũng không khác nhiễm lần đầu.
Cá biệt có những bệnh như sốt xuất huyết, khi tái nhiễm một type khác, do phản ứng miễn dịch quá mức lại làm bệnh nặng lên rất nhiều.
Do hiện nay mới chỉ ghi nhận được vài ca tái nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên, nên chưa có dữ liệu để biết việc điều trị ở bệnh nhân tái nhiễm virus này sẽ đơn giản hay khó khăn hơn người mới nhiễm lần đầu.
Xin cảm ơn ông!