Theo VnExpress, thực tế, năm 2019, Bộ Y tế công bố số liệu 3,5 triệu người Việt bị đái tháo đường, dự báo tăng gần gấp đôi vào năm 2045. Trong số 3,5 triệu này, khoảng 69% người bị tăng đường huyết chưa được phát hiện và 29% người bệnh đang điều trị.
Trong ba năm qua, số người mắc đái tháo đường đã thêm gần 1,5 triệu, tức tăng gần 43%. số bệnh nhân đái tháo đường Việt Nam tăng tương đồng xu hướng toàn thế giới hiện nay. Đây là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến trên toàn cầu. Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới (IDF) năm 2021 công bố toàn cầu có 53 triệu người mắc bệnh này, tỷ lệ cứ 10 người độ tuổi 20-79 thì có một người mắc. Trong số này, 50% số người trưởng thành bị đái tháo đường mà không được chẩn đoán.
PGS.TS. Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết Đái tháo đường Việt Nam, nói rằng mối nguy hiểm ở bệnh đái tháo đường là biến chứng. Bệnh này là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tàn tật và tử vong sớm ở hầu hết quốc gia, nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa, bệnh tim mạch, suy thận và viêm loét chân phải cắt cụt. Ở Việt Nam, kết quả nghiên cứu cho thấy hơn 55% bệnh nhân tiểu đường có biến chứng, trong đó 34% bị biến chứng tim mạch, 39% biến chứng về mắt và thần kinh, 24% biến chứng về thận.
Gần 63% người bệnh nhưng chưa được chẩn đoán, được các chuyên gia cho là gây khó khăn cho chiến lược kiểm soát bệnh đái tháo đường ở Việt Nam. Bệnh là gánh nặng cho toàn xã hội, kéo theo nhiều rủi ro cho nền kinh tế, hệ thống y tế và bệnh nhân cùng gia đình của họ.
2 biểu hiện thường gặp ở người bệnh tiểu đường
Biểu hiện đầu tiên: Uống nước xong vẫn không hết khát, khô miệng
N Kimbre Zahn - Bác sĩ y khoa gia đình và thể thao tại Đại học Indiana, cảnh báo tình trạng khát nước quá mức có liên quan mật thiết đến bệnh tiểu đường.
Điều này là vì bệnh tiểu đường khiến cơ thể khó kiểm soát mức glucose (đường) trong máu, nên thận sản xuất ra nước tiểu nhiều hơn để hạn chế dư thừa đường. Từ đó gây ra tình trạng mất nước và tạo cảm giác khát nước thường xuyên hơn.
Vậy nên, khi bạn thường xuyên cảm thấy khát, uống nước xong vẫn không hết khát, thậm chí còn bị tỉnh dậy giữa đêm vì cảm giác khô miệng háo nước thì nên cẩn trọng.
Biểu hiện thứ 2: Uống ít nước nhưng đi tiểu thường xuyên
Trung bình mỗi người trưởng thành đi tiểu từ 6- 8 lần/ngày. Do vậy, nếu một người đi tiểu hơn 8 lần trong ngày được coi là đi tiểu nhiều lần.
Đặc biệt, nếu uống nước không quá nhiều nhưng vẫn đi tiểu nhiều hơn bình thường, đồng thời có triệu chứng tiểu gấp và tiểu khó thì phải cảnh giác với các bệnh về hệ tiết niệu hay tuyến tiền liệt.
Ngoài ra, nếu như gặp phải tình trạng tiểu gấp hoặc tiểu buốt thì cần nghĩ đến bệnh tiểu đường hay bệnh thận. Tốt nhất bạn nên đến bệnh viện để được kiểm tra tìm nguyên nhân chính xác và điều trị kịp thời.
Một số triệu chứng trên da tố cáo tiểu đường
Theo Thanh Niên, cũng như với tất cả các bệnh khác, ngay khi xuất hiện các triệu chứng, càng phát hiện sớm và hành động sớm, càng có cơ hội phục hồi tốt. Có một dấu hiệu cần cảnh giác là bọng mắt, vì điều này có nghĩa là bệnh đã tiến triển nặng sang thận mà mọi người nên đề phòng.
Da sậm màu
Biểu hiện dễ thấy nhất của người mắc bệnh tiểu đường là làn da sậm màu, đặc biệt ở các vị trí như cổ, nách, bẹn…
Biểu hiện này được gọi là chứng gai đen, dấu hiệu của tình trạng đề kháng insulin hoặc tiền đái tháo đường.
Da khô, ngứa
Người mắc bệnh tiểu đường thường không kiểm soát được đường huyết trong cơ thể, lúc này, tình trạng tuần hoàn dưới da bị ảnh hưởng gây nên các triệu chứng như da khô, ngứa ngáy khó chịu.
Da quanh mắt màu vàng
Biểu hiện rõ nhất của người tiểu đường là mảng da ở quanh mắt chuyển sang màu vàng thường được gọi là ban vàng mi mắt.
Cơ thể xuất hiện dấu hiệu này khi nồng độ lipid trong máu cao hoặc đường huyết đang không được kiểm soát 1 cách hiệu quả.
Da dày, xơ cứng
Hiện tượng xơ cứng ở các ngón tay, khớp cứng, khó vận động là dấu hiệu cho thấy đường huyết không được kiểm soát tốt. Nếu tình trạng này không được khắc phục sớm thì tình trạng da dày, xơ cứng có thể lan ra nhiều vùng khác nhau như cánh tay, vai, cổ…
Loét da
Những người mắc bệnh đái tháo đường ở giai đoạn nặng có thể gặp phải tình trạng loét da.
Nguyên nhân là do đường huyết cao trong thời gian dài làm giảm tưới máu mô đồng thời gây tổn thương thần kinh ngoại biên. Lúc này, các vết thương nhỏ trên cơ thể sẽ khó lành lâu dần dẫn tới loét da.
Các triệu chứng khác của bệnh thận do tiểu đường nặng
- Khó suy nghĩ rõ ràng
- Chán ăn
- Giảm cân
- Chuột rút cơ bắp
- Giữ nước gây sưng phù bàn chân và mắt cá chân
- Xanh xao do thiếu máu
- Buồn nôn
Các chuyên gia cho rằng để kiểm soát đường huyết, người bệnh cần có chế độ ăn lành mạnh, đúng giờ, kết hợp tập luyện; không hút thuốc lá, không sử dụng các chất kích thích. Bệnh nhân dùng thuốc theo chỉ định bác sĩ, không tự ý dùng hoặc chung đơn thuốc với người khác. Những người có yếu tố nguy cơ cần khám và xét nghiệm đường huyết ít nhất một lần/năm.