Kiếp sống tha phương cầu thực, vô gia cư
Cụ Trương Vĩnh Hưng (sinh năm 1937), quê Hải Phòng, lưu lạc vào Sài Gòn đã lâu. Không một người thân, cụ sống đơn độc giữa phồn hoa đô thị.
Lúc trước, cụ chạy xe ôm, bữa đói bữa no sống qua ngày. Nay đã 82 tuổi, cụ Hưng sống lay lắt bằng nghề bán vé số. Cuộc sống mưu sinh vất vả, không đủ tiền thuê trọ, cụ mượn công viên, vỉa hè làm chốn nương thân mỗi sớm tối.
Ngày 29/12/2018, cụ ông được người đi đường thương tình đưa vào bệnh viện trong tình trạng hôn mê sâu. Tại bệnh viện, các y bác sĩ đã cứu chữa kịp thời, giúp cụ thoát khỏi cơn nguy kịch.
Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Trương Thanh Tùng (Bệnh viện Quân y 175), người điều trị trực tiếp cho bệnh nhân này chia sẻ: "Sau khi thực hiện các xét nghiệm máu, siêu âm tim, tầm soát bệnh lao và chụp vi tính lồng ngực, chúng tôi nhận thấy cụ Hưng bị viêm phổi, suy tim nặng, sức khỏe suy kiệt".
Ước nguyện gặp người thân
Sau hơn 1 tuần được điều trị và chăm sóc, ông lão 82 tuổi đã qua cơn nguy kịch. Trong phòng bệnh, cụ chỉ thều thào qua máy thở vài câu ngắn ngủi.
Trong khi những bệnh nhân khác có người nhà tận tình chăm sóc thì cụ Hưng không có lấy một người thân.
Hiện, toàn bộ chi phí chăm sóc và điều trị cho cụ ông được bệnh viện chi trả hoàn toàn. Hàng ngày, điều dưỡng và các nhân viên điều dưỡng sẽ thay nhau chăm sóc từ ăn uống đến vệ sinh cá nhân cho ông lão 82 tuổi.
"Hiện tại, sức khỏe của bệnh nhân đã có chuyển biến tốt, đang được điều trị suy tim và kiểm soát nhiễm khuẩn. Cụ Hưng bị suy tim rất nặng, kết hợp với các bệnh lý mãn tính nên phải điều trị ngoại trú và dùng thuốc dài ngày. Tình trạng không người thân chăm sóc sẽ khiến sức khỏe ông thêm suy kiệt và nguy kịch hơn" - bác sĩ Trương Thanh Tùng cho biết.
Ở cái tuổi gần đất xa trời, cụ Hưng vẫn sống tha hương cầu thực nơi đất khách quê người. Kiếp người cô độc lại thêm bệnh tật nguy kịch khiến ai cũng thấy xót thương. Trên giường bệnh, ông lão 82 tuổi chỉ có ước nguyện gặp lại được người thân thích, đoàn tụ với gia đình.
"Chúng tôi mong cụ tìm được người nhà để an ủi phần nào. Đồng thời, do mắc các bệnh mạn tính và nhiều nhiều bệnh kết hợp nên bệnh nhân rất cần có người thân chăm sóc sau khi xuất viện" - ông Trương Thanh Tùng cho biết.
Bệnh viện Quân y 175 thường xuyên nhận được những trường hợp bệnh nhân vô gia cư bị tai nạn. Qua công tác tuyên truyền của bệnh viện, người nhà bệnh nhân biết thông tin sẽ đến tiếp nhận.
Một số khác bệnh nhân quê ở xa, người nhà không biết thông tin thì bệnh viện vẫn tiếp tục chăm sóc. Ngân sách của bệnh viện sẽ chi trả cho những khoản viện phí này. Trường hợp chi phí quá lớn, bệnh viện sẽ kêu gọi sự giúp đỡ của các mạnh thường quân.
Bác sĩ Nguyễn Hải Công, phụ trách khoa Lao và Bệnh phổi, bệnh viện Quân y 175 chia sẻ: "Khoa chúng tôi thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn bị bệnh nặng, cần phải điều trị dài ngày. Chi phí điều trị các ca này rất lớn nhưng bệnh nhân lại không có điều kiện kinh tế nên khoa và bệnh viện đã hỗ trợ chi trả. Chúng tôi luôn tận tình chữa trị, đồng thời kêu gọi sự đóng góp để hỗ trợ bệnh nhân".
Mọi đóng góp ủng hộ bệnh nhân Trương Vĩnh Hưng, Quý độc giả vui lòng gửi về:
Phòng Công tác xã hội - Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM)
Số tài khoản: 2011100038004 - Ngân hàng Quân đội (MB Bank) Chi nhánh Bắc Sài Gòn.
Nội dung: Ủng hộ bệnh nhân Trương Vĩnh Hưng, Khoa Lao và Bệnh phổi, bệnh viện Quân y 175 Bộ quốc phòng
Hoặc liên hệ đồng chí thượng úy Trần Xuân Dương, Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Quân y 175 để được hướng dẫn.
Điện thoại: 0984 091 171
“