Bà Mai (65 tuổi, quê ở Vĩnh Long) và chồng sau nhiều năm chung sống có hai người con trai. Bà bán tàu hủ, bánh lọt ngoài chợ, chồng làm thợ cắt tóc, cuộc sống cũng chỉ đủ cái ăn qua ngày.
Thế nhưng, không may mắn như người anh, cậu út Nghiêm (sinh năm 1984) bị mắc bệnh rối loạn đông máu di truyền. Vợ chồng bà lúc nào cũng thương cho đứa con bạc phận. Dù cuộc sống khó khăn, hai vợ chồng nghèo vẫn chăm sóc con rất cẩn thận, không để anh Nghiêm phải làm bất cứ việc nặng nhọc nào.
“Đợi chết vì không có tiền chạy chữa”
Biết mình mắc bệnh nan y, chỉ cần một vết trầy xướt nhỏ cũng không thể chữa lành nên anh Nghiêm luôn cố gắng chú ý trong từng hành động, cử chỉ.
Không may, năm anh 23 tuổi, biến cố ập đến làm cuộc sống vốn khó khăn trở nên khốn cùng. Trong một lần tắm sông, phần hông của anh bị va đập mạnh, chảy máu bên trong.
Anh Nghiêm nhớ lại: “Lúc bị va đập, vùng hông phải bị sưng nhẹ, không bị chảy máu nên tôi nghĩ không sao. Một thời gian sau, vùng sưng bị to lên khiến tôi không thể đi đứng hay làm gì được. Không có tiền chạy chữa, tôi đành nằm ở nhà. Lúc đó chỉ nghĩ nằm chờ chết thôi chứ không thể làm gì khác”.
"Nhà không có tiền nhưng không thể để con chết"
Bao nhiêu ngày thấy con đau đớn là bấy nhiêu ngày nước mắt bà Mai chảy dài. Cố gắng vay mượn, mãi cho đến năm 2010 bà đưa con lên TP.HCM điều trị. Suốt 4 năm ròng rã, hai mẹ con đã mỏi mòn với hành trình chạy chữa Sài Gòn – Vĩnh Long nhưng bệnh tình của anh Nghiêm vẫn không tiến triển nhiều.
"Năm 2014, khối u vỡ ra, máu mủ chảy liên tục. Nhà không có tiền nhưng không thể để con chết, tôi bắt vội chuyến xe đò đưa nó lên thành phố cứu lấy mạng sống. Nhờ bệnh viện hỗ trợ tiền cho ca mổ nên gia đình cũng đỡ được phần nào. Nhưng sau đó tôi không thể vay mượn được thêm tiền nên sau khi mổ vài ngày đành phải đưa con về nhà” - bà Mai rơm rớm nước mắt.
Trong 1 năm dưỡng bệnh tại nhà, vết mổ liên tục chảy máu dẫn đến nhiễm trùng và hoại tử toàn bộ vùng hông. Lúc này, nợ cũ chưa trả, bà Mai lại phải lao đao vay nợ mới để cứu lấy mạng sống của đứa con trai út.
“Năm 2015, Nghiêm phải tiến hành phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ khối cơ mỡ ở hông. Từ đó, nó phải nhập viện để theo dõi và điều trị, hai mẹ con xin cơm cháo từ thiện, sống qua ngày ở bệnh viện Chợ Rẫy suốt 4 năm liền” - người phụ nữ 65 tuổi nghẹn ngào.
Hy vọng cuối cùng cho hai mẹ con
Trao đổi với báo Phụ Nữ Sức Khỏe, bác sĩ Nguyễn Hữu Tuấn, khoa Huyết học bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: “Bệnh viện đang sử dụng các thiết bị tối tân để điều trị vết mổ cho anh Nghiêm. Hiện nay, chúng tôi dùng máy hút liên tục để thúc đẩy các mô phát triển, sau đó sẽ phẫu thuật ghép da tạo hình để ngăn ngừa chảy máu ở vết mổ. Nếu ca phẫu thuật thành công, anh Nghiêm có thể được xuất viện, điều trị tại nhà và hẹn tái khám”.
Người mẹ già không khỏi vui mừng khi biết con mình có hy vọng được sống. Được biết, máy hút phải sử dụng 3-4 ngày/lần, mỗi lần 3 triệu cùng tiền phẫu thuật ghép da vết mổ lên đến hơn 100 triệu. Gánh nặng tiền bạc quá lớn khiến người phụ nữ tuổi xế chiều thêm bế tắc.
Gánh hàng tàu hủ bánh lọt buổi chợ đông của bà Mai cũng chỉ đủ bữa cơm cháo cho cả nhà qua ngày. Nhưng 9 năm nay, bà đã nghỉ bán để chăm lo con trai lâm bạo bệnh khiến mọi thứ trở nên khó khăn, túng quẫn.
“Nghe tin con có thể tạo hình ghép da để vết mổ không bị chảy máu gây nhiễm trùng, hoại tử da thịt, tôi mừng lắm. Nhưng chồng tôi 70 tuổi, sức đã yếu, không thể kiếm ra tiền còn tôi 65 tuổi, nghỉ bán tàu hủ bánh lọt gần 10 năm nay. Số tiền này quá lớn, tôi thêm nặng lòng không biết xoay sở ra sao” – người mẹ già lo lắng.
Ở cái tuổi xế chiều, những người hàng xóm láng giềng đã có cháu bế bồng, vỗ về sớm tối còn bà Mai chỉ mong con trai được khỏe bệnh để những cái Tết sau, cả nhà được đoàn viên, sum họp.
Mọi đóng góp ủng hộ bà Trần Thị Mai và anh Phan Hữu Nghiêm chống chọi căn bệnh quái ác, Quý độc giả vui lòng gửi về:
Chị Ngô Hồng Lan (con nuôi bà Mai)
Số tài khoản: 010 8067 452 Ngân hàng Đông Á, chi nhánh quận 1, TP HCM
Điện thoại: 0784832000 (chị Lan)/ 0976068143 (anh Nghiêm)/0966138537 (bà Mai)
“