Trả lời:
Một nghiên cứu tại Phần Lan trên 1.935 nam giới trong vòng 25 năm cho thấy những người xông hơi 2-3 lần một tuần có nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp thấp hơn 27% so với những người ít hoặc không bao giờ xông hơi. Đặc biệt những người thường xuyên xông hơi nhiều hơn 4 buổi mỗi tuần nguy cơ mắc bệnh viêm phổi thấp hơn 41%.
Hiện chưa rõ tại sao xông hơi lại có tác động đáng kể đến các bệnh đường hô hấp nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng có thể hơi nóng khi xông hơi giúp giảm bớt tắc nghẽn đường thở. Đây là kết quả mới trong một loạt nghiên cứu cho thấy tác dụng hỗ trợ tăng cường sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe đường hô hấp.
Nhiều nghiên cứu chứng minh xông hơi giúp tăng sức chứa và chức năng phổi, cải thiện hô hấp cho những người mắc các bệnh về hô hấp như hen suyễn, viêm phế quản. Ngoài ra, những người thường xuyên xông hơi ít có nguy cơ bị cảm lạnh, viêm phổi, viêm mũi dị ứng, nhiễm trùng đường hô hấp trên, tăng cường phản ứng miễn dịch của cơ thể.
Xông hơi có thể cải thiện sức khỏe mạch máu theo nhiều cách như: giảm huyết áp, các yếu tố nguy cơ tăng huyết áp, giảm khả năng mắc các bệnh tim mạch, đột quỵ, stress, làm tăng lưu lượng máu và đưa máu giàu chất dinh dưỡng, oxy đi khắp cơ thể. Khi xông hơi, cơ thể tăng cường sản xuất các hormone tốt như endorphin, có tác dụng làm giảm căng thẳng, cải thiện tâm trạng, thậm chí giảm nguy cơ mắc trầm cảm.
Nhìn chung xông hơi an toàn và tốt cho sức khỏe, tuy nhiên không nên sử dụng nó như một biện pháp thay thế cho các phương pháp điều trị y tế. Hiện cũng chưa có bằng chứng trực tiếp nào cho thấy xông hơi có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng khi nhiễm nCoV, hoặc sự lây truyền của loại virus này.
Các trường hợp không nên xông hơi bao gồm: người bị nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính, người đang sử dụng thuốc kích thích hệ thần kinh giao cảm do có thể gây loạn nhịp tim trong lúc xông hơi; người bị đau thắt ngực không ổn định; huyết áp thấp; bị hẹp động mạch chủ nghiêm trọng; phụ nữ đang mang thai.
Khi sử dụng phương pháp xông hơi cần lưu ý bổ sung lượng nước đầy đủ tránh cơ thể bị mất nước, không xông quá 20 phút, tránh uống rượu, tránh tắm nước lạnh sau khi xông hơi.
Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Duy Hưng
Khoa Hô hấp BVĐK Tâm Anh Hà Nội