Chiều 25/9, ông Cao Tung Sơn, Giám đốc Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường TP.HCM, cho biết đã báo cáo Sở Tài nguyên Môi trường chất lượng không khí trong những ngày qua.
Theo đó, từ ngày 18 đến ngày 22/9, thành phố xảy ra hiện tượng sương mù quang hóa làm giảm tầm nhìn và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Kết quả quan trắc tại 30 vị trí ở thành phố cho thấy sự gia tăng đột biến các chất ô nhiễm như bụi lơ lửng, PM10, PM2.5, NO2, SO2, CO trong các ngày 18-20/9, mức tăng 1,4-2,2 lần. Đặc biệt, các thông số bụi lơ lửng, PM10, PM2.5 có tỷ lệ vượt chuẩn tăng 25-50% trong ngày 20/9.
Ông Sơn cho biết hiện tượng sương mù quang hóa ở TP.HCM có tính chu kỳ, duy trì khoảng 6-7 ngày, xuất hiện trong khoảng 5 năm trở lại đây. Cụ thể, trong các ngày 1-7/10/2015; 12-15/10/2016; 16-18/01/2018 và ngày 18-22/9 năm nay thành phố bị sương mù quang hóa bao phủ khiến người dân dễ gặp các bệnh về hô hấp và mắt.
Do đó, trung tâm khuyến cáo người dân, đặc biệt là trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai hạn chế ra bên ngoài, tham gia giao thông và các hoạt động ngoài trời. Nếu có nhu cầu ra ngoài, người dân cần trang bị khẩu trang, đeo kính che mắt, hạn chế sử dụng nước mưa, tránh phơi thực phẩm ngoài trời.
Liên quan đến thông tin ô nhiễm không khí ở TP.HCM do cháy rừng ở Indonesia, ông Sơn cho biết sau khi theo dõi số liệu của Trung tâm Khí tượng Chuyên ngành ASEAN và Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, trung tâm nhận thấy không có khả năng này. Cụ thể, 3 trạm quan trắc ở Phú Quốc, Thổ Chu và Côn Đảo không ghi nhận hiện tượng mù trong các ngày qua.
Giám đốc Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường TP thông tin trong vài ngày tới, chất lượng không khí sẽ được cải thiện khi gió mùa Đông Bắc chiếm ưu thế, bức xạ mặt trời loại bỏ lớp nghịch nhiệt làm cho các chất ô nhiễm phát tán lên cao.