Theo WHO, dẫn đầu số ca nhiễm mới được ghi nhận là Brazil với 54.771 trường hợp, tiếp đó là Mỹ ghi nhận 36.617 ca, đứng thứ ba là Ấn Độ với 15.400 ca được báo cáo trong 24 giờ qua.
Hiện Mỹ là nước có số ca nhiễm lớn nhất thế giới với 2,2 triệu ca, đồng thời cũng là nơi ghi nhận nhiều ca tử vong nhất, khoảng 120.000 ca, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins.
Trong buổi mít tinh ở Tulsa, Oklahoma tối 20/6, Tổng thống Donald Trump thừa nhận ông đã nói các quan chức giảm tốc độ xét nghiệm Covid-19 vì số ca nhiễm tăng lên ở Mỹ.
Ông chủ Nhà Trắng cũng gọi Covid-19 là “Kung Flu” với hàm ý chỉ căn bệnh xuất phát từ Trung Quốc.
Trong khi đó, Bộ Y tế Brazil nói rằng tổng số ca nhiễm ở nước này tăng thêm hơn 50.000 ca mỗi ngày. Tổng thống Jair Bolsonaro vẫn tiếp tục hạ thấp nguy cơ của dịch bệnh dù số ca tử vong đã vượt mốc 50.000 vào ngày 21/6 và ở mức cao thứ hai thế giới, chỉ đứng sau Mỹ. Bộ Y tế Brazil ngày 21/6 đã xác nhận số ca tử vong nước này lên tới 50.617, tăng 641 ca từ 49.976 ca của một ngày trước đó.
Tại Tây Ban Nha, giới chức trách đã chấm dứt lệnh khẩn cấp quốc gia sau 3 tháng phong tỏa, cho phép 47 triệu cư dân được tự do đi lại trên toàn quốc lần đầu tiên kể từ ngày 14/3. Nước này cũng gỡ bỏ quy định cách ly 14 ngày đối với du khách đến từ Anh và 26 quốc gia châu Âu cho phép đi lại miễn thị thực.
Tuy nhiên, khách du lịch tại sân bay Madrid-Barajas vẫn khá thưa thớt, khác xa với cảnh tượng thường thấy trong một ngày tháng sáu vốn rất nhộn nhịp trong những năm trước đó.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez kêu gọi mọi người đề phòng tối đa: "Virus có thể quay trở lại và nó có thể tấn công chúng ta một lần nữa trong làn sóng thứ hai và chúng ta phải làm mọi cách có thể để tránh điều đó bằng mọi giá".
Tổng cộng, WHO ghi nhận 8.708.008 ca nhiễm virus corona trên toàn cầu, với 183.020 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Trong đó, số ca tử vong trên toàn cầu là 461.715, với 4.743 ca mỗi ngày. Hơn hai phần ba ca tử vong mới được ghi nhận ở châu Mỹ.