Câu chuyện người mẹ tự ý đến phường khai tử cho con trai 3 tuổi, trong khi cháu vẫn còn sống khiến dư luận bất bình. Theo đó, bà T.T.N.P (trú tại phường Tân An (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đến UBND phường này làm thủ tục khai tử cho cháu N.H.L. (SN 2019, con trai bà P). Tại UBND phường Tân An, bà P khai cháu L mất vào lúc 18 giờ 30 phút ngày 4/5 do bệnh viêm phổi và chết tại nhà chứ không phải ở bệnh viện hay cơ sở y tế. Tin tưởng, UBND phường Tân An cấp giấy khai tử cho cháu bé vào ngày 11/5.
Tuy nhiên, tối 19/5, bố của cháu L đã đăng thông tin lên mạng xã hội Facebook về việc con trai còn sống nhưng bị mẹ khai tử.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Ngọc Nha (người ký giấy khai tử) cho biết, khi đến phường làm giấy khai tử cho con trai, bà P có mang theo các giấy tờ tùy thân. Tại phường, bà P khóc lóc, mặt lộ rõ vẻ đau buồn và có ký cam kết khai đúng sự thật.
"Công an phường Tân Lợi đã mời bà P đến làm việc thì bà này thừa nhận đã ly hôn với chồng cũ và cả hai vẫn thường mâu thuẫn, xích mích. Bà P cho rằng mình bị chồng đánh đập nên đã khai tử cho con trai và gửi giấy khai tử cho chồng cũ báo tin để ngăn không cho người này gặp con nữa", ông Nha thông tin trên báo chí.
Vậy thủ tục khai tử cần thực hiện theo những quy trình nào? Theo luật sư Nguyễn Thu Anh (Đoàn luật sư Hà Nội), khai tử là thủ tục pháp lí nhằm xác nhận sự kiện một người đã qua đời và xác định sự chấm dứt các quan hệ pháp luật của người đó, đồng thời, là phương tiện để Nhà nước theo dõi biến động dân số của mình. Khi một người qua đời, người thân phải làm thủ tục đăng ký khai tử và kết quả của thủ tục này là "Giấy khai tử".
Trình tự, thủ tục khai tử được thực hiện theo hướng dẫn tại Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch. Theo đó, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có người chết, vợ, chồng hoặc con, cha, mẹ hoặc người thân thích khác của người chết nộp hồ sơ yêu cầu đăng ký khai tử tại UBND cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người chết.
Hồ sơ đăng ký khai tử gồm: Tờ khai đăng ký khai tử; Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay thế Giấy báo tử do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Giấy tờ thay thế giấy báo tử: Đối với người chết tại cơ sở y tế thì Thủ trưởng cơ sở y tế cấp Giấy báo tử; Đối với người chết do thi hành án tử hình thì Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình cấp giấy xác nhận việc thi hành án tử hình thay Giấy báo tử...
Giấy tờ phải xuất trình khi đi khai tử gồm: Hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc các giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân của người có yêu cầu đăng ký khai tử; Giấy tờ chứng minh nơi cư trú cuối cùng của người chết để xác định thẩm quyền; Trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng của người chết thì xuất trình giấy tờ chứng minh nơi người đó chết hoặc nơi phát hiện thi thể của người chết.
"Rõ ràng cán bộ tư pháp của phường Tân An đã không kiểm tra kỹ càng mà đã trình lãnh đạo ký nên đã gây ra sai sót. Theo quy định, nếu hồ sơ sau khi đã được hướng dẫn mà bà P không bổ sung đầy đủ thì cán bộ tiếp nhận có quyền từ chối. Khi đó, họ chỉ cần lập văn bản từ chối tiếp nhận hồ sơ và ghi rõ lý do", luật sư Anh chia sẻ.
Trước sự việc hy hữu này, nhiều ý kiến cho rằng, để đảm bảo điều kiện tốt nhất cho cháu bé nên "tước" quyền nuôi của bà P. Bởi lẽ, sau sự cố này, không biết bà P còn có chiêu trò gì nữa đối với cháu bé. Hiện tại, bước đầu bà P khai nhận, việc khai tử cháu bé là nhằm ngăn không cho chồng cũ qua lại với con trai. Theo luật sư Anh, nếu lời khai là đúng sự thực, rõ ràng người mẹ đã vi phạm Điều 81 (Luật Hôn nhân và Gia đình 2014).
Điều luật này quy định: "Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan…".
Có ý kiến cho rằng, để đảm bảo an toàn nên giao cháu bé cho người bố chăm sóc. Theo luật sư Vũ Đức Long (Đoàn luật sư Hà Nội), trường hợp người bố muốn nhận nuôi con thì căn cứ Điều 84 (Luật HN&GĐ 2014) như sau: "Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây: Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con; Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 7 tuổi trở lên. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con: Người thân thích; cơ quan quản lý nhà nước về gia đình; Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em; Hội liên hiệp phụ nữ".
"Để có thể thay đổi quyền nuôi con thì người yêu cầu phải nộp đơn khởi kiện ra tòa để yêu cầu giải quyết. Trình tự giành quyền nuôi con sau khi ly hôn sẽ được giải quyết theo Bộ luật Dân sự như sau: Nộp hồ sơ khởi kiện về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con tại TAND quận,huyện nơi bị đơn (người trực tiếp nuôi con) đang cư trú; làm việc.
Sau khi nhận đơn khởi kiện cùng hồ sơ hợp lệ, tòa án sẽ ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí. Nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm tại chi cục thi hành án quận,huyện và nộp lại biên lai tiền tạm ứng án phí cho tòa án. Tòa sẽ tiến hành thụ lý vụ án theo thủ tục chung và ra bản án, hoặc quyết định giải quyết vụ án", luật sư Long nói.