Liên quan đến vụ bé gái 45 tháng tuổi bị rắn độc cắn, theo thông tin từ báo Tuổi trẻ sáng 22-5, ông Phạm Văn Minh - giám đốc Bệnh viện Sản - nhi Phú Yên - cho hay tối 21/5, gia đình cháu S.T.N.N. (45 tháng tuổi, ở xã Phước Tân, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) đã xin đưa bé về nhà vì tình trạng bệnh bé tiến triển quá nặng, tiên lượng tử vong.
Theo BS Nguyễn Thị Hồng Hương - phó trưởng khoa hồi sức cấp cứu nhi Bệnh viện Sản - nhi Phú Yên, bé N. được Trung tâm Y tế huyện Sơn Hòa chuyển đến bệnh viện này lúc 2h30 ngày 16/5 với tình trạng lơ mơ, khó thở, có dấu hiệu ngưng thở. Bệnh viện phải can thiệp đặt nội khí quản ngay cho bé.
"Theo thông tin gia đình cung cấp, khoảng 0h ngày 16/5, khi bé T. đang ngủ trong nhà thì bị một con rắn bò vào cắn. Biết đó là rắn độc, gia đình đưa cháu đến Trung tâm Y tế huyện Sơn Hòa cấp cứu ngay trong đêm và sau đó được chuyển viện lên tuyến tỉnh" - BS Hương cho hay.
Cũng theo BS Hương, từ hình ảnh do người nhà bé chụp lại, bệnh viện xác định đó là rắn cạp nia, một loại rắn rất độc. BS Minh cho biết Bệnh viện Sản - nhi Phú Yên, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên đều không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia.
"Chúng tôi liên lạc với cả 2 bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 ở TP.HCM, nhưng trong đó cũng không có huyết thanh kháng nọc độc loại rắn này, vì vậy không chuyển viện cho bé được" - BS Minh nói.
Dẫn theo nguồn tin từ báo Công an nhân dân, do diễn biến bệnh trạng thêm nặng nên sau 5 ngày cấp cứu tại bệnh viện, gia đình đã đưa cháu N về nhà trong đêm 21/5, đến rạng sáng 22/5 thì nạn nhân tử vong.
Rắn cạp nia (tên khoa học Bungarus candidus) là loài cực độc, tỷ lệ tử vong do rắn cắn có thể lên đến 75% nếu không được cấp cứu kịp. Nọc rắn cạp nia có chứa các độc tố hậu synape và đặc biệt độc tố tiền synape, gây liệt mềm kéo dài. Nọc rắn cạp nia tại Việt Nam có thể chứa độc tố kiểu natriuretic peptide tăng thải natri qua thận dẫn tới hạ natri máu. Hầu hết các trường hợp bị rắn cạp nia cắn sẽ bị liệt cơ dẫn tới suy hô hấp và tử vong nếu không kịp thời đưa tới cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu tích cực bằng các biện pháp hồi sức, thở máy và tiêm huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia.