Gia đình, làng xóm không ai tin hai đứa có thể sống sót vì không có thuốc giải độc botulinum”, ông Lê Minh Tiến, cha bệnh nhân chia sẻ trên VietNamNet. Sau 3 tuần được điều trị tích cực tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, hai anh em có sinh hiệu ổn định nhưng phụ thuộc thở máy.
Người em có tình trạng nặng hơn, gọi biết nhưng không thực hiện được y lệnh hay vận động đơn giản. Sau đó, 2 bệnh nhân được chuyển về Bệnh viện Đa khoa Hậu Giang điều trị lâu dài.
Sau hơn 3 tháng ở Hậu Giang, người con 26 tuổi đã được xuất viện, sinh hoạt, ăn uống và đi lại như bình thường. Trong khi đó, người em đã mở mắt, cử động được trong 4 ngày qua. Bệnh nhân ăn cháo nhưng chưa thể nói chuyện, vẫn được theo dõi tại phòng hồi sức. Người cha cho hay con trai 26 tuổi làm nghề vá vỏ xe ô tô trên TP.HCM rồi gọi em út 18 tuổi lên làm cùng. Chỉ vài tháng sau, tai nạn xảy ra. "Hai đứa mua cây chả lụa 30.000 đồng ăn với bánh mì, ăn xong thì có triệu chứng rồi nhập viện", ông Tiến thông tin trên VietNamNet.
Thời điểm đó (15/5), cả hai anh em được điều trị Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM với chẩn đoán ngộ độc botulinum. Tuy nhiên, do không có thuốc giải độc đặc hiệu nên người bệnh phải thở máy kéo dài.
Đến ngày 24/5, Bệnh viện Chợ Rẫy nhận được thuốc giải BAT viện trợ từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhưng đã quá thời gian dùng thuốc hiệu quả nhất. Sau 3 tuần điều trị, tình hình vẫn không khá hơn. Các bác sĩ cố gắng mở khí quản sớm, ngăn ngừa nhiễm trùng, chống huyết khối, hỗ trợ dinh dưỡng...
Bệnh viện Chợ Rẫy đã liên hệ với cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh Hậu Giang giải quyết được gánh nặng viện phí cho gia đình. "Nhận tin hai em hồi phục ngoạn mục, tôi xúc động và mừng cho gia đình. Thời gian qua, người làm cha mẹ như anh Tiến có lẽ đã rất khổ sở. Thạc sĩ Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ với VietNamNet.
Theo báo Sức khỏe và Đời sống trước đó, như đã thông tin, Bệnh viện Chợ Rẫy cùng Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP.HCM) hội chẩn phát hiện thêm 3 ca nghi ngộ độc botulinum, trong đó có 2 anh em ruột 18 tuổi và 26 tuổi ngộ độc vì ăn bánh mì chả lụa, người còn lại là nam 45 tuổi, ăn mắm để lâu ngày. Ngành y tế thành phố Thủ Đức đã xác minh được cơ sở sản xuất chả lụa và lấy mẫu để đi xét nghiệm. Đây là cơ sở mới mở, chưa có giấy phép hoạt động.
"Các chất độc botulinum tấn công vào hệ thống thần kinh cơ, từ đấy làm cho việc dẫn truyền của thần kinh cơ không còn nữa, làm cho các cơ không được điều khiển được, dẫn tới tình trạng liệt. Nếu chỉ liệt tay, liệt chân thì chưa có nguy hại ngay đến tính mạng, nhưng nếu liệt cơ hô hấp sẽ dẫn tới tình trạng suy hô hấp cấp và tử vong nếu chúng ta không có những điều trị hỗ trợ", BS Lê Quốc Hùng cho hay trên báo Sức khỏe và Đời sống.
Để phòng tránh nguy cơ ngộ độc Botulinum, TS.BS Lê Quốc Hùng khuyến cáo người dân, trong khâu chế biến các loại thức ăn đóng chai, lọ hay bọc kín cần làm sạch môi trường, lau chùi, vệ sinh thường xuyên khu vực chế biến để tránh bụi bẩn, đất, cát và các vi khuẩn độc hại bám vào thực phẩm. Việc đóng gói thực phẩm nên áp dụng các kỹ thuật hiện đại. Các nhà sản xuất khi đóng gói thường chiếu tia khử khuẩn để cho thực phẩm an toàn. Người dân tự đóng gói tại nhà nguy cơ mất an toàn rất cao. Một biện pháp mà bác sĩ Hùng cho rằng người dân nên áp dụng khi đóng, gói kín thực phẩm là sử dụng độ mặn trên 5% muối/100gr thức ăn do ở môi trường mặn quá vi khuẩn không phát triển được.
Người dân lưu ý không sử dụng thực phẩm quá hạn sử dụng, đặc biệt là các sản phẩm đóng hộp bị phồng, biến dạng bởi đó là những sản phẩm đã bị vi khuẩn botulinum hoặc vi khuẩn khác tấn công; hoặc dù còn hạn sử dụng, không bị biến dạng nhưng khi mở ra không còn hương vị tự nhiên cũng không nên ăn. Điển hình như trường hợp hai trẻ em ngộ độc Botulinum ở thành phố Thủ Đức ăn chả lụa gói kín bằng nilon và đã bắt đầu có dấu hiệu chảy nước, mùi vị không bình thường. Người dân có thể nấu chín các thực phẩm đóng hộp, gói kín ở nhiệt độ cao từ 10 - 15 phút giúp giảm nguy cơ ngộ độc botulinum và các vi khuẩn gây ngộ độc khác.