Sáng sớm, đang quét sân, thấy chồng dắt xe ra ngõ, chị gọi với theo nhờ chồng sẵn tiện mua hai hộp cơm cho chị và con gái. Anh ngoái lại, cộc lốc: “Tiền đâu?”. Chị đang dở tay, nên nói: “Anh mua đi, về em trả lại”. Anh xẵng giọng: “Đưa tiền thì mua, không lôi thôi”. Anh đi rồi, chị quăng cây chổi, ngồi thừ bên bậc thềm. Đây không phải lần đầu anh cư xử với chị như thế, nhưng sao vẫn nghe buồn tủi ở đâu tràn về…
Ngày mới cưới, chị đã thỏa thuận với chồng, do chị có thu nhập cao, nên mọi chi tiêu trong nhà chị gánh hết. Lương của anh, tùy nghi sử dụng. Chị là luật sư, xong việc ở cơ quan, còn mở văn phòng tại nhà. Công việc chị bù đầu, nên anh lãnh phần đưa đón con, đi chợ. Lần nào chị nói muốn ăn hải sản, heo rừng, cá đồng… anh cũng đòi thêm tiền chợ, vì mấy thứ đó đắt lắm.
Chị đi công tác, hóa đơn điện nước, anh để đó chờ chị về, nhất định không đóng thay. Thậm chí lúc đón con, con bé đòi ăn quà vặt, anh đòi chị trả lại không thiếu một xu. Có lần chị bực, hỏi: “Con gái không phải con anh sao, có cần tính toán chi li vậy không?”. Anh cười cười không nói, lần sau vẫn tỉnh bơ đòi tiền.
Thỏa thuận vậy rồi, nhưng mỗi lần chị đi mua sắm, đều mua luôn quần áo cho anh. Xe anh chạy, điện thoại anh xài cũng do chị mua. Dù gì cũng nghĩa vợ chồng, xấu chàng thì hổ thiếp. Chị làm ra tiền nhiều hơn thì choàng gánh là lẽ đương nhiên. Lương giáo viên ít ỏi, anh để riêng phòng thủ cũng phải… Biết bao lần, chị tự nhủ với mình như thế, nhưng vẫn thấy có gì đó sai sai.
Tiền bạc chi li, đẩy tình cảm vợ chồng dần nguội lạnh. Chị luôn có cảm giác đơn độc dù vẫn vô ra chạm mặt chồng mỗi ngày. Vợ chồng là đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi. Yêu thương từ một phía, liệu kéo dài được bao lâu? Gánh chị mang, nặng nề mỏi mệt, liệu sẽ đi được bao xa?
Tôi từng chia tay một mối tình nhiều bâng khuâng nhưng không tiếc nuối. Anh là người đàn ông giỏi giang. Thời sinh viên, anh làm thêm để kiến tiền tự nuôi thân, còn gửi về nhà phụ ba má nuôi em. Lần nào hẹn nhau, tôi cũng phải đợi anh xong việc. Nhìn lưng áo anh đẫm mồ hôi, tôi muốn khóc. Tôi tin, làm vợ anh sẽ rất hạnh phúc. Anh thương yêu các em, hiếu thảo với cha mẹ, không ngại khó ngại khổ… Bờ vai vững vàng vậy, đàn ông có được mấy người?
Nhưng với từng ấy ưu điểm, có đủ là người chồng tốt? Để có được đáp án, tôi đã phí mất hai năm. Khi tình yêu đủ nồng nàn, tôi đưa anh về giới thiệu gia đình. Thấy anh đi tay không, tôi e ngại nhưng không đành hỏi. Dọc đường, tôi kêu anh dừng xe để mua chút quà cho ba má. Lúc tính tiền, anh thản nhiên để tôi trả.
Cả nhà tôi đón tiếp anh rất nồng hậu. Anh Hai tôi định đi mua bia, nhưng có khách đến chơi, anh Hai nhờ anh đi mua. Anh Hai đưa tiền, anh thản nhiên cầm. Tôi xấu hổ lủi nhanh vô bếp. Thấy tôi ngồi buồn hiu, anh Hai vỗ vai: “Thằng bồ của em coi bộ cũng thiệt tình quá ha? Nhưng có khi nào em gặp phải hậu nhân của nhà họ Trùm không đó?”. Tôi nhớ lại những lần hai đứa đi chơi. Biết anh nặng gánh gia đình, nên tôi hay giành trả tiền. Chi phí lớn, anh khéo léo nhường tôi, chỉ trả mấy món ít hơn.
Đàn ông quá coi trọng tiền bạc, người đời hay chê có “tính đàn bà”. Phụ nữ lấy phải một người “đàn bà”, làm sao mà sống? Tưởng tượng lúc hoạn nạn cần đến tiền, người thân nhất bên cạnh mình giả đò ngó lơ, còn gì đau bằng! Ngày rộng tháng dài, bức bối chồng chất, đời còn gì vui. Vợ chồng là phải chung vai gánh vác, dìu nhau qua những khúc quanh. Tiền ít hay nhiều không quan trọng, quan trọng là dám chịu trách nhiệm và làm hết sức mình.