Ngày 1/3, Phó giáo sư Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 TPHCM, cho biết, ông cùng các cộng sự đã cứu thành công một trường hợp bệnh nhân bị đột quỵ.
Bệnh nhân là một người đàn ông khoảng 60 tuổi (quê Bình Dương), nhập viện khi đã liệt nửa người, còn nhiều đầu ngón tay thì bị rạch sâu.
Khai thác bệnh sử, trước đó, thấy bệnh nhân đột ngột có dấu hiệu đột quỵ, vợ và một người thân trong nhà liền cấp cứu cho chồng theo phương pháp đọc được trên mạng. Họ lấy lưỡi dao lam cắt sâu vào các đầu ngón tay bên bị liệt.
Sau khi làm đúng lời hướng dẫn, thấy máu các đầu ngón tay chảy đầm đìa mà bệnh nhân vẫn tê liệt, người vợ và gia đình quá sợ nên chuyển gấp chồng vào một bệnh viện tuyến huyện. Trước tình trạng nguy kịch của bệnh nhân, các bác sĩ đã chuyển gấp người đàn ông lên tuyến trên.
Bệnh nhân vào Bệnh viện Nhân dân 115 đã hơn 6 tiếng kể từ lúc khởi phát triệu chứng, nhưng vẫn còn trong "giờ vàng" cấp cứu. Các bác sĩ xác định bệnh nhân bị tắc động mạch não giữa nên can thiệp tái thông thành công.
Đến nay, sức khỏe người đàn ông đã hoàn toàn ổn định. Ngày bệnh nhân xuất viện, PGS Thắng căn dặn ông bỏ thuốc lá và uống thuốc thường xuyên để không bị tái đột quỵ.
Thống kê cho thấy, mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 200.000 ca đột quỵ. Tuy nhiên, số bệnh nhân đến viện trong thời gian vàng 6 giờ đầu vẫn còn hạn chế.
Đột quỵ có thể xảy ra với bất cứ ai, bất kể thời gian, không gian nào và ngày càng trẻ hóa. Nếu không được can thiệp kịp thời, di chứng của đột quỵ để lại nặng nề, khiến người bệnh tàn phế, liệt, nằm trên giường bệnh.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi thấy bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu như đột ngột rối loạn ngôn ngữ, yếu liệt tay chân, méo miệng, co giật, đột ngột hôn mê và rối loạn ý thức, người thân cần đưa đến ngay cơ sở y tế để cấp cứu và kịp thời.