Ngày dự kiến sinh bé đúng vào dịp Tết nguyên đán có thể khiến nhiều cha mẹ bất an, vì đây là dịp nghỉ lễ đặc biệt dài ngày. Nhiều người lo lắng bệnh viện có thể không đủ bác sĩ, điều dưỡng và dịch vụ có thể không chu đáo như ngày thường.
Chia sẻ với Gia đình Việt Nam, ThS.BS Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, tuy dự sinh vào dịp Tết nhưng các thai phụ nên xác định có thể sẽ chuyển dạ bất kể lúc nào trong những ngày này. Bởi thế, mẹ bầu cần phải chuẩn bị sẵn sàng đồ đạc đi sinh để trong một túi riêng, có thể mang đi bệnh viện bất cứ khi nào có dấu hiệu sinh nở.
4 thứ mà bác sĩ Phan Chí Thành khuyên mẹ bầu nên mang theo trong ngày đi đẻ:
Giấy tờ cần thiết để làm thủ tục sinh con
Trước khi đi đẻ, mẹ bầu cần chuẩn bị căn cước công dân, mã hồ sơ, thẻ BHYT. Ngoài mang theo các giấy tờ trên trực tiếp, mẹ bầu có thể chụp ảnh hết các giấy tờ quan trọng này và lưu vào điện thoại để tiện lợi sử dụng trong quá trình làm thủ tục sinh tại bệnh viện.
Bên cạnh đó, mẹ bầu còn nên mang theo các giấy khám thai sản, các kết quả xét nhiệm trước đó. Những giấy tờ này sẽ giúp các bác sĩ và y tá có thể dễ dàng lên phương án chuẩn bị cho các mẹ bầu phải chuyển dạ đẻ ngay hay mổ cấp cứu ngay…
Đồ đạc cho mẹ và bé
Hầu hết hiện nay các bệnh viện đều có chuẩn bị các đồ sơ sinh thiết yếu cho bé và mẹ, vì thế mẹ bầu có nhỡ có quên cũng không sao vì có thể tiện lợi mua sắm tại viện.
Tuy nhiên trước khi sinh, mẹ bầu có thể chuẩn bị 1 ít đồ dùng cho 2 mẹ con, đồ lót và mang thêm ít sữa, máy hút sữa để dùng sau sinh khi sữa mẹ chưa kịp về nhưng không cần mang quá nhiều. Bởi một số cửa hàng, siêu thị cũng có thời gian nghỉ Tết, nếu có mở cửa thì mặt hàng cũng không được dồi dào, phong phú để lựa chọn. Tuyệt đối tranh mang cả 1 tủ đồ đến viện khi đi đẻ vì không có chỗ để và không dùng đến.
Kinh nghiệm đẻ không đau
Khi đi đẻ, mẹ bầu và người nhà nên dắt túi mang theo một số kinh nghiệm như nên làm giảm đau trong đẻ hoặc sau mổ đẻ. Có như vậy quá trình đẻ và sau sinh sẽ không đau, thoải mái hơn cho các sản phụ. Nhất là những sản phụ có ngưỡng chịu đau thấp thường gặp nhiều khó khăn khi sinh.
Hiện nay hầu hết các cơ sở sản khoa, bệnh viện đều có những dịch vụ đẻ không đau (phương pháp gây tê ngoài màng cứng hoặc tê tủy sống để giảm đau) mà không gây hại cho người bệnh cũng như em bé trong bụng. Vì thế các mẹ bầu có thể sử dụng để hỗ trợ quá trình sinh nở của bản thân diễn ra suôn sẻ, nhẹ nhàng hơn.
Giữ tinh thần thoải mái nhất
Đi đẻ, nhất là đi đẻ ngày cận Tết nhiều mẹ bầu vì quá lo lắng khiến tinh thần căng thẳng. Nhưng hãy suy nghĩ tích cực, tạo tâm lý thoải mái nhất trước khi đến viện sinh dù là vào ngày Tết.
Tại viện, ngay cả những ngày lễ Tết vẫn sẽ có bác sĩ và y tá trực và giúp bạn sinh nở dễ dàng, chăm sóc kỹ càng sau khi chuyển dạ mà không phải lo lắng phân vân.
Ngoài ra, hãy nhớ rằng bên cạnh bạn, gia đình, người thân sẽ tập trung và chăm sóc 2 mẹ con được tốt hơn trong những ngày nghỉ lễ.
Đồ dành cho mẹ gồm:
- Quần áo rộng, thoải mái cho mẹ: 1 bộ. Các mẹ ưu tiên chọn loại có nút cài phía trước để tiện cho bé ti nhé. Ngoài ra, các mẹ có thể mặc váy suông rộng để tiện cho bác sĩ khám hơn.
- Bộ quần áo sau sinh để mặc lúc về nhà: 1 bộ
- Bột bịt tai
- Tất chân: 3 đôi
- Băng vệ sinh cho mẹ mới sinh: 1 bịch
- Quần lót (ưu tiên lại mặc một lần): 5 – 6 chiếc
- Đồ dùng cá nhân: bàn chải, kem đánh răng, sữa tắm,…
- Miếng lót thấm sữa…
Đồ dành cho bé gồm:
- Quần áo sơ sinh cho bé: 5 chiếc mỗi loại
- Miếng lót sơ sinh
- Bao tay, bao chân, mũ: 4 đôi
- Khăn sữa cho bé: 20 chiếc
- Khăn xô lớn: 6-8 chiếc
- Tã chéo: 10 – 15 chiếc
- Tã dán: 1 bịch
- Sữa cho bé, đề phòng trường hợp một số mẹ những ngày đầu sữa chưa về
- Bình sữa
- Khăn ướt, khăn khô đa năng: 1 bịch mỗi loại
- Lọ nước muối sinh lý nhỏ: 1 lọ
- Khăn bông mỏng: 1 chiếc
- Tưa lưỡi: 2-3 cái
- Gối chặn để bé không bị giật mình
Và một số món đồ như phích nước nóng, chậu, giấy vệ sinh…