Bác sĩ Đoàn Thu Hồng, Viện Y học ứng dụng Việt Nam
Tiêm vaccine cúm khi mang thai có thể giúp bảo vệ em bé khỏi bệnh cúm sau khi sinh (vì kháng thể cúm được truyền sang em bé trong thời kỳ mang thai). Bên cạnh đó, những người tiêm vaccine cúm khi đang cho con bú cũng truyền kháng thể chống lại bệnh cúm cho con mình thông qua sữa mẹ.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra việc tiêm vaccine giúp làm giảm một nửa nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính liên quan đến cúm ở phụ nữ mang thai. Bên cạnh đó, tiêm vaccine cúm cũng giúp phụ nữ mang thai giảm trung bình 40% nguy cơ phải nhập viện vì cúm.
Nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết không thấy nguy cơ sảy thai tự nhiên nào lên phụ nữ mang thai khi tiêm vaccine cúm. Tuy nhiên, sản phụ có thể gặp phải một số tác dụng phụ sau khi tiêm vaccine cúm như ở những phụ nữ bình thường khác. Các triệu chứng thường ở mức nhẹ, bao gồm:
- Đau nhức, đỏ hoặc sưng tại vị trí tiêm
- Đau đầu
- Sốt
- Đau nhức cơ
- Buồn nôn
- Mệt mỏi
Nếu tác dụng phụ xảy ra, chúng thường bắt đầu ngay sau khi tiêm và thường kéo dài trong 1-2 ngày. Vaccine cúm hiếm khi gây ra các vấn đề nghiêm trọng như phản ứng dị ứng nặng.
Bạn có thể tiêm vaccine cúm trong bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ. Tháng 9 và tháng 10 thường là thời điểm tốt để tiêm vaccine hàng năm. Tuy nhiên, phụ nữ có thai có thể cân nhắc tiêm vaccine sớm hơn (ví dụ vào tháng 7 hoặc tháng 8) nếu đang trong 3 tháng cuối của thai kỳ.