Các ca nhiễm được báo cáo vào tuần trước đã làm dấy lên lo ngại rằng chúng được gây ra bởi một chủng H5N1 mới, 2.3.4.4b, xuất hiện vào năm 2020 và đã gây ra số ca tử vong kỷ lục ở các loài chim hoang dã và gia cầm nuôi trong những tháng gần đây.
Nhưng các nghiên cứu cho đến nay cho thấy nó không phải là nguyên nhân gây ra 2 ca nhiễm ở người vừa được phát hiện ở Campuchia. CDC cho biết trong một tuyên bố về việc giải trình tự gen sơ bộ được thực hiện ở Campuchia đã giúp Bộ Y tế nước này xác định virus là biến thể phụ 2.3.2.1c của H5N1. Loại virus này đã lưu hành ở Campuchia giữa các loài chim và gia cầm trong nhiều năm và ít gây ra các bệnh lây nhiễm ở người.
"Vâng, đây là một nhánh cúm gia cầm cũ và đã lưu hành quanh khu vực trong nhiều năm. Mặc dù nó đã từng lây nhiễm sang người trong quá khứ nhưng nó chưa được ghi nhận là lây truyền từ người sang người. Song, điều đó không có nghĩa là mối đe dọa ít hơn", Erik Karlsson, Giám đốc Trung tâm Cúm Quốc gia Campuchia và quyền trưởng phòng virus học tại Viện Pasteur du Cambodge, nơi giải trình tự virus, cho biết.
Ông nói thêm rằng các bên cần phải phối hợp nhanh chóng để ngăn chặn bất kỳ sự lây lan nào nữa và hạn chế tiếp xúc với bất kỳ nguồn virus phổ biến nào. CDC cho biết, họ đã tiến hành một cuộc điều tra về nguồn gốc và phát hiện các ca nhiễm mới, đồng thời cho biết thêm rằng cho đến nay không có dấu hiệu lây lan từ người sang người.
Campuchia đã xét nghiệm chủng H5N1 cho ít nhất 12 người vào tuần trước, sau khi một bé gái 11 tuổi tử vong vì loại virus này. Đây là ca lây truyền H5N1 từ động vật sang người đầu tiên được biết đến ở nước này trong gần một thập kỷ.
Cha của nạn nhân đã xét nghiệm dương tính với virus nhưng không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào, theo Bộ trưởng Y tế Campuchia Mam Bunheng cho biết trong một tuyên bố vào thứ Sáu vừa rồi.
Karlsson cho biết chỉ có trường hợp của bé gái được giải trình tự còn trường hợp của người cha vẫn đang được xử lý. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, họ đang làm việc với chính quyền Campuchia để theo dõi các ca nhiễm, mô tả tình hình là đáng lo ngại do sự gia tăng gần đây các ca bệnh ở chim và động vật có vú.