Nội dung bài viết
Bài viết sẽ đề cập đến tình trạng, dấu hiệu của bệnh viêm lỗ chân lông ở chân và cách điều trị dứt điểm. Mời bạn đọc cùng theo dõi!
Viêm lỗ chân lông là gì?
Viêm nang lông là bệnh về da do các nang lông bị viêm. Bệnh thường ảnh hưởng các bộ phận của cơ thể như râu, cánh tay, lưng, mông và chân. Viêm nang lông ban đầu có thể nhìn giống như những nốt đỏ hay mụn. Tuy nhiên, khi tình trạng bệnh tiến triển, chúng sẽ lan rộng ra các bộ phận khác của cơ thể.
Viêm lỗ chân lông ở tay chân khiến lỗ chân lông bị sưng, viêm và hình thành nhiều nốt mụn nhỏ li ti - Ảnh minh họa: Internet
Viêm lỗ chân lông thường xảy ra khi nang lông bị nhiễm trùng tụ cầu khuẩn Staphylococcus Aureus. Ngoài ra, đôi khi nhiễm nấm, virus hoặc tình trạng tắc nghẽn, lông mọc ngược cũng có thể gây viêm lỗ chân lông. Viêm nang lông không nguy hiểm, nhưng bệnh để lại cảm giác ngứa, đau và khó chịu. Trong những trường hợp nghiêm trọng, bệnh có thể gây rụng lông và để lại sẹo.
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm nang lông là gì?
- Xuất hiện các cụm mụn nhỏ màu đỏ hoặc mụn đầu trắng tại các nang lông.
- Các nốt mụn nước chứa đầy mủ và có vảy bên trên.
- Da mềm, đau, rát, ngứa.
- Lông ở chân, tay mọc ngược.
Nguyên nhân gây viêm lỗ chân lông
Yếu tố di truyền: Theo số liệu thống kê của viện da liễu có đến 60% người bị viêm chân lông có người nhà, người thân bị trước đó.
Vệ sinh không đúng cách: Da không được làm sạch sẽ dẫn đến việc hình thành các tế bào chết, chất sừng trên da khiến cho hệ bài tiết và các bã nhờn tích tụ nhiều nơi lỗ chân lông. Đây chính là một trong những nguồn lợi tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển làm bít tắc các nang lông, lỗ chân lông dẫn đến viêm.
Do cạo lông, tẩy lông: Bạn biết không, việc cạo lông, nhổ lông, tẩy lông không đúng cách có thể khiến các lỗ chân lông bị ảnh hưởng như trầy xước, gây nên các tổn thương và nhiễm trùng da.
Cạo lông nhiều lần, lâu ngày khiến các sợi lông dày, cứng và tổn thương vùng da gây viêm nhiễm đặc biệt là các vùng nách, vùng kín, ở chân - Ảnh minh họa: Internet
Sử dụng kháng sinh nhiều: Nếu bạn sử dụng nhiều loại kháng sinh trong một thời gian dài thì đây có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm da. Bởi kháng sinh vào trong cơ thể quá nhiều có thể tiêu diệt một số vi khuẩn có lợi và tạo điều khiển cho nhiều loại vi khuẩn kỵ khí sinh sôi mạnh hơn.
Tuyến bã nhờn hoạt động mạnh: Ở một số bạn có tuyến bã nhờn nhiều khi tiết mồ hôi gây bít tắc các lỗ chân lông, bịt kín các nang lông vì thế lại tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, kí sinh trùng gây bệnh phát triển. Ngoài ra, còn do tác động từ môi trường bụi bẩn, ô nhiễm, da khô mà không được chăm sóc đủ và giữ ẩm cần thiết, không tẩy da chết thường xuyên.
Cách trị viêm lỗ chân lông ở chân
Phương pháp chữa viêm lỗ chân lông ở chân sẽ tùy thuộc vào tình trạng bệnh và nguyên nhân gây ra, bao gồm:
- Thuốc trị viêm nang lông: bác sĩ sẽ cho bạn dùng một số loại kem bôi hoặc thuốc để kiểm soát tình trạng nhiễm trùng. Tình trạng viêm có thể được điều trị bằng một số loại thuốc viên và kem bôi.
- Liệu pháp ánh sáng.
- Tiểu phẫu: nếu nốt nhọt quá to, bác sĩ sẽ thực hiện tiểu phẫu để loại bỏ mủ, giảm đau và giúp bạn mau phục hồi hơn.
- Triệt lông bằng laser.
Trong bài viết này, Phụ Nữ Sức Khỏe sẽ hướng dẫn các bạn cách chữa viêm lỗ chân lông ở chân đơn giản bằng các nguyên liệu tự nhiên, có sẵn trong nhà bếp của bạn - Ảnh minh họa: Internet
Dầu dừa điều trị viêm lỗ chân lông ở tay chân
Dầu dừa được xem là một biện pháp điều trị và khắc phục viêm lỗ chân lông hiệu quả, nhanh chóng. Dầu dừa chứa hai loại axit có tác dụng bảo vệ da là Axit Capric và Axit Lauric.
Ngoài ra, đặc tính kháng khuẩn, kháng nấm và chống viêm của dầu dừa cũng có thể hỗ trợ phòng ngừa tình trạng viêm lỗ chân lông tái phát - Ảnh minh họa: Internet
Cách thực hiện biện pháp như sau: Trộn 3 muỗng cà phê dầu dừa với một lượng vừa đủ nước cốt chanh. Đun nóng hỗn hợp trong lò vi sóng hoặc đun trên bếp. Vệ sinh vùng da chân, tay hoặc vùng da bệnh viêm lỗ chân lông bằng nước ấm và xà phòng không gây kích ứng da. Thoa hỗn hợp lên vùng da bệnh. Có thể sử dụng phần vỏ chanh massage lên da trong 5 – 7 phút để tăng hiệu quả điều trị. Để yên trong 20 – 30 phút sau đó rửa lại với nước sạch. Thực hiện phương pháp 2 – 3 lần mỗi tuần để cải thiện tình trạng viêm lỗ chân lông ở tay chân.
Chữa viêm nang lông ở chân tay bằng nha đam
Chiết xuất nha đam (lô hội) có tác dụng thanh nhiệt, làm mát, tăng sức đề kháng của da. Ngoài ra, các vitamin có trong nha đam có thể tiêu diệt các loại vi khuẩn, hỗ trợ se khít lỗ chân lông và điều trị tình trạng viêm lỗ chân lông - Ảnh minh họa: Internet
Để điều trị viêm lỗ chân lông ở chân tay bằng nha đam, người bệnh có thể thực hiện theo cách sau: Sử dụng phần thịt của nha đam tươi, nghiền nát. Sử dụng chất nhựa nha đam thoa một lớp mỏng lên vùng da bệnh, không nên thoa quá dày tránh gây tắc lỗ chân lông. Để hỗn hợp lưu lại trên da trong 20 – 30 phút trước khi rửa lại với nước sạch. Thực hiện biện pháp 2 – 3 lần mỗi tuần để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.
Nghệ điều trị viêm nang lông ở chân tay
Nghệ có tác dụng làm mát, kháng viêm và kháng khuẩn cao. Bên cạnh đó sử dụng nghệ cũng có thể cải thiện tình trạng lỗ chân lông bị kích ứng, sưng và viêm, từ đó hỗ trợ điều trị viêm nang lông - Ảnh minh họa: Internet
Để điều trị viêm nang lông ở tay, chân người bệnh thực hiện theo các bước sau: Thêm một muỗng bột nghệ vào một lượng nước vừa đủ. Thoa hỗn hợp lên da kết hợp massage nhẹ nhàng để các tinh chất thấm sâu vào da. Lưu hỗn hợp trên da khoảng 20 phút trước khi rửa sạch bằng nước và xà phòng. Thực hiện phương pháp thường xuyên để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất. Ngoài ra, người bệnh có thể pha bột nghệ với nước hoặc sữa, dùng uống để tăng hiệu quả điều trị các bệnh ngoài ra khác và cải thiện tình trạng đau dạ dày.
Chữa viêm lỗ chân lông bằng lá trầu không
Lá trầu không chứa nhiều tinh dầu có tính chất kháng khuẩn, ức chế và hỗ trợ tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh viêm lỗ chân lông. Bên cạnh đó, trầu không cũng chứa các chất chống oxy hóa, có thể hỗ trợ làm giảm viêm, sưng và kích ứng da.
Các thực hiện biện pháp điều trị như sau: Dùng 5 lá trầu không, cần chọn những lá bánh tẻ, không quá non cũng không quá già. Giã nát lá trầu không với một ít muối. Cho hỗn hợp vào một chiếc khăn mỏng, sạch và chà xát lên vùng da bệnh trong khoảng 15 – 20 phút. Rửa sạch da với nước sạch. Thực hiện biện pháp thường xuyên, đều đặn để cải thiện các triệu chứng viêm lỗ chân lông.
Chữa viêm lỗ chân lông ở chân tay bằng muối
Muối có tác dụng sát khuẩn rất cao, do đó thường được sử dụng để điều trị mụn và viêm nang lông. Ngoài ra, muối cũng có khả năng tẩy tế bào chết, giúp da mịn màng và sáng màu hơn - Ảnh minh họa: Internet
Cách dùng muối điều trị viêm lỗ chân lông như sau: Vệ sinh vùng da bệnh viêm lỗ chân lông sạch sẽ bằng nước ấm. Pha một thìa cà phê muối với một lượng nước ấm vừa đủ. Thoa đều nước muối lên vùng da bệnh kết hợp massage nhẹ nhàng trong 10 phút. Rửa sạch khu vực bệnh bằng nước sạch. Có thể thực hiện biện pháp nhiều lần trong ngày và kiên trì mỗi ngày để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.
Tuy nhiên trên thực tế, những liệu pháp điều trị viêm lỗ chân lông ở chân bằng các nguyên liệu tự nhiên chỉ có tác dụng khi bạn mới bắt đầu có những dấu hiệu nhẹ của bệnh hoặc tình trạng không đáng kể. Với những trường hợp nhẹ, bệnh có thể tự khỏi sau 2 tuần. Nếu vùng da bị ảnh hưởng trở nên đỏ, sưng, nóng và đau hơn hoặc bắt đầu bị lan rộng sau 2 tuần, bạn hãy liên hệ với bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.
* Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo.