Sau dịp nghỉ Tết, nhất là năm nay lại trùng vào ngày lễ Tình nhân (14/2), số người đi khám do mắc các bệnh lý lây qua đường tình dục gia tăng.
Tại TP.HCM, Bệnh viện Da Liễu TP HCM tiếp nhận gần 400 lượt khám bệnh lây truyền qua đường tình dục mỗi ngày sau kỳ nghỉ Tết, trong khi trước Tết con số này trung bình khoảng 280-300 ca.
Điển hình như trường hợp của Đình Nam (20 tuổi quê Thanh Hóa). Nam là sinh viên một trường đại học ở Hà Nội và đã quan hệ với bạn gái (hơn 2 tuổi) vào dịp lễ Tình nhân. Sau 4 ngày, Nam phát hiện những biểu hiện bất thường ở "cậu nhỏ" nên đi khám. Qua kết quả xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán Nam bị lậu và tư vấn hướng điều trị, đồng thời đề nghị Nam đưa cả bạn gái đi khám vì nguy cơ mắc bệnh rất cao.
“Bạn gái nói rằng đó là lần đầu tiên của cô ấy, trong khi đây cũng là lần đầu của tôi. Vì tin nhau nên chúng tôi không dùng bao cao su dù đã chuẩn bị sẵn", Nam chia sẻ với bác sĩ.
Theo bác sĩ Thành, các đôi dù tin tưởng nhau đến đâu cũng cần đảm bảo an toàn khi quan hệ. Ảnh minh họa.
TS.BS Phan Chí Thành (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) cho biết, không chỉ năm nay mà các năm trước, số người đi khám do mắc bệnh tình dục luôn tỉ lệ thuận với tình trạng “cháy phòng” trong ngày lễ Tình nhân. Theo bác sĩ, nguyên nhân khiến nhiều bạn trẻ mắc bệnh lý lây truyền qua đường tình dục chủ yếu là do tâm lý chủ quan, cũng như thiếu kiến thức về tình dục an toàn.
Theo đó, rất nhiều bạn trẻ khi yêu nhau sẵn sàng dâng hiến cho nhau, tin tưởng nhau tuyệt đối và luôn khẳng định mình còn "trong trắng" với bạn tình. Điều đó khiến họ và "nửa kia" không chủ động phòng tránh bệnh và hậu quả cuối cùng là mắc các bệnh lý lây qua đường tình dục hoặc mang thai ngoài ý muốn.
Qua thực tế khám lâm sàng, bác sĩ Thành cho biết, có rất nhiều bạn trẻ dù từng quan hệ nhưng không thừa nhận và vẫn khẳng định với đối tác rằng "đây là lần đầu" để được "vượt giới hạn mà không cần dùng đồ bảo hộ". Điều này góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý lây qua đường tình dục bởi khi đã phát sinh quan hệ thì bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh, ngay cả khi chỉ gần gũi một bạn tình hay thậm chí chưa có hành động xâm nhập.
"Có nhiều cặp quan hệ an toàn ở "đường chính" nhưng vẫn dễ mắc do lậu vì bệnh này có thể lây nhiễm qua việc dùng miệng và một số đường khác. Hay có trường hợp một số virus gây bệnh có thể lây lan khi có sự tiếp xúc da kề da, khi tiếp xúc chất dịch cơ thể hoặc sử dụng chung đồ lót, đồ chơi tình dục, bồn cầu nhà vệ sinh công cộng", bác sĩ Thành cho hay.
Bác sĩ Thành cho rằng, cần "đả thông" tư tưởng cho các bạn trẻ bằng cách giáo dục "mưa dầm thấm lâu" để hướng tới tình dục an toàn, tránh nguy cơ mắc bệnh.
Để phòng bệnh, bác sĩ Thành khuyến cáo, khi quan hệ hãy dùng bao cao su, kể cả khi chị em đã dùng các biện pháp tránh thai khác. Vì bao cao su vừa là biện pháp tránh thai, vừa là cách để bảo vệ bản thân cũng như chồng/bạn tình không bị mắc bệnh lây qua đường tình dục.
Bác sĩ nhấn mạnh: Hãy chung thủy một vợ/một chồng hoặc một bạn tình. Điều này không chỉ phòng bệnh lây qua đường tình dục, mà còn giúp giữ gìn hạnh phúc gia đình. Cuối cùng, khi không may gặp vấn đề, làm ảnh hưởng đến hoạt động tình dục hoặc có biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục chị em cần đi khám càng sớm càng tốt. Không giấu bệnh, không tự chữa bệnh vì có thể khiến tình trạng nặng thêm, để lại hậu quả đáng tiếc, thậm chí là ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Theo một báo cáo của nước ngoài, vào những dịp nghỉ lễ, nhiều người dễ có những cuộc hẹn lãng mạn, gặp gỡ người mới hay kết nối lại với ai đó từng có mối liên hệ đặc biệt với mình hoặc “đổi gió” với bạn đời ở một nơi lạ. Và khi đó, nhiều cuộc yêu, cả ngẫu hứng lẫn được lên lịch, đã diễn ra. Điều đặc biệt là, theo thống kê, nguy cơ mắc các bệnh lây qua đường tình dục (STI) do quan hệ không an toàn trong dịp này cao hơn nhiều so với thông thường. Một cá nhân có nguy cơ mắc STI cao gấp 3 lần nếu họ quan hệ không an toàn ở bên ngoài so với ở nhà. Và lý do là, khi “yêu” ngẫu hứng hay ở nơi mới, nhiều người không sử dụng bao cao su hoặc dùng không đều đặn, không đúng cách. Ngoài ra, trong các cuộc vui dịp nghỉ lễ, vào những ngày đặc biệt như Lễ tình nhân, nhiều người sử dụng rượu hoặc các chất kích thích để tăng hưng phấn hoặc có đủ “dũng khí” thực hiện theo lời thách đố của bạn bè, khiến nguy cơ mắc STI cao hơn. Điều này đặc biệt đúng ở nhóm người trẻ tuổi. Một cuộc khảo sát của Cơ quan Y tế Anh cho thấy cứ 10 người dưới 25 tuổi thì có 6 người lo sợ rằng họ đã bị nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục trong những ngày nghỉ lễ. Kết quả khảo sát với 509 người trong độ tuổi từ 16 đến 24 cho thấy 69% trong số họ đã quan hệ không an toàn trong thời gian này. Một phân tích khác cũng chỉ ra rằng nam giới trở nên “liều lĩnh hơn đáng kể” khi quan hệ không an toàn trong các dịp lễ đặc biệt. |
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi