Người ta vẫn thường nói với nhau rằng: “Muốn biết đàn ông tốt hay xấu hãy đợi sau khi chia tay”. Điều này đúng không chỉ với đàn ông sau ly hôn mà ngay cả với phụ nữ. Khi vợ chồng ly hôn, chẳng thể bước cùng nhau nữa, ngỡ rằng phiên tòa ấy đã chấm dứt mọi thứ. Nhưng không, có những người trong lòng vẫn giữ nỗi ấm ức, khổ sở về người bạn đời cũ. Hễ có dịp là lại nói xấu, vạch tội nhau, đổ lỗi cho người kia làm hôn nhân tan vỡ. Những người như thế rất ích kỷ, họ chỉ nghĩ đến cá nhân mình mà chẳng hề nghĩ cho cảm nhận của con cái.
Tôi có một người bạn thân chới với nhau từ nhỏ. Đến cấp ba thì ba mẹ bạn ly hôn. Từ đó bạn trở nên trầm tính và thường xuyên buồn bã. Bạn không lựa chọn sống với mẹ hoặc ba mà về sống với ông bà nội. Lên đại học, bạn cũng ít khi gặp ba hoặc mẹ. Bạn bảo rằng mỗi lần gặp một trong 2 người là tâm trạng ức chế cả tuần, chẳng thiết làm gì nữa cả.
Mẹ bạn mỗi lần gặp sẽ luôn hỏi rằng: “Tháng này ba mày cho bao nhiêu tiền để ăn học hay lại dành hết tiền để nuôi con nào rồi?”. Rồi lại lôi mớ chuyện xưa cũ khi hai người còn sống với nhau ra thở than. Bà bảo rằng ngày xưa sống với nhau bà đã chịu biết bao nhiêu thiệt thòi, ấm ức, khổ sở. Chính ba bạn đã đẩy gia đình đến mức tan vỡ, chia lìa.
Rồi ba bạn cũng y hệt mẹ: “Đàn bà gì chua ngoa, lắm lời, cay nghiệt”. Ngồi giữa cuộc nhậu hay đông người, ba bạn vẫn không ngừng nói xấu mẹ. Bạn là con, đứng giữa một bên là ba, một bên là mẹ mà nghe hai người thân yêu nhất của mình chỉ trích, nói xấu nhau thì chán chường vô cùng. Từ khi ly hôn đến nay cũng được 3 năm nhưng chưa 1 lần hai người có thể ngồi nói chuyện với nhau một cách bình thường vì bạn.
Câu chuyện của bạn tôi chỉ là một trong hằng hà sa số cách ứng xử của những cặp vợ chồng sau ly hôn. Thử lên mạng gõ mà xem, bao nhiêu cặp đôi nổi tiếng đã ly hôn vẫn không ngừng nói xấu và chỉ trích nhau mỗi ngày. Dĩ nhiên, ly hôn ai cũng đau đớn và tổn thương. Ai cũng mang trong mình nỗi khổ tâm và thiệt thòi, muốn người khác tỏ tường vì sao mình lại chọn đường ai nấy đi. Nhưng nói xấu nhau mãi, chỉ trích và oán thán nhau mãi để làm gì?
Sau ly hôn, các cặp vợ chồng hãy ứng xử với nhau thật tử tế và văn minh. Dẫu đã từng đau đớn và tổn thương ra sao thì cũng đừng nên kể lể, bêu riếu nhau ở khắp mọi nơi. Nếu chẳng thể nói được điều gì tốt về nhau thì tốt nhất là nên im lặng. Xem đó là điều cuối cùng mình làm cho đối phương. Hơn nữa, cuộc hôn nhân ấy đã lấy đi quá nhiều nước mắt và đau khổ, đã đến lúc chúng ta nên buông tay cho nhẹ lòng. Chẳng oán trách, chẳng than phiền, duyên vợ chồng chỉ đến đó mà thôi.
Sau ly hôn, chúng ta vẫn còn mối ràng buộc là con. Hãy cư xử với nhau thật tử tế để con mình có thể mỉm cười khi nghĩ về cha mẹ. Vốn dĩ, gia đình tan vỡ đã là một thiệt thòi rất lớn rồi. Đừng để tâm hồn non nớt của con phải hứng chịu những lời cay độc, bao nỗi buồn tủi từ sự ích kỷ, nhỏ nhen của người lớn.