Nét xưa gìn giữ mãi ngày nay
Chúng tôi đến làng Phú Bình (đường Lạc Long Quân, Phường 5, Quận 11, TP HCM), làng truyền thống bao đời làm lồng đèn, nằm gọn lỏn giữa lòng thành phố tấp nập, nhưng cả làng vẫn giữ được nét truyền thống của nghề làm lồng đèn. Tuổi nghề cũng đã khoảng 50 năm làng Phú Bình một một trong những làng nghề lớn hiếm hoi còn sót lại sau bao năm đô thị hóa dồn dập.
Đến làng Phú Bình những ngày giáp Tết Trung thu, tại đây, người người đang hối hả, đốc thúc nhau hoàn thành sản phẩm cuối cùng để kịp giao cho các đại lý lớn, phục vụ trẻ em có đèn chơi Tết Trung thu.
Trong một ngôi nhà đầu làng, nhiều nghệ nhân đang miệt mài, đôi tay thoăn thoát bên đống tre nứa và hàng tá đèn lồng đang chờ được giao cho khách.
Không khí tất bật, nhộn nhịp bao trùm các hộ gia đình làm lồng đèn trong làng, nhiều công đoạn, nhiều tiểu tiết nhưng dưới bàn tay khéo léo và chuyên nghiệp, những chiếc thanh nan thô cứng chỉ trong vài phút đã trở thành những chiếc đèn lồng đa dạng, với nhiều kiểu dáng, mẫu mã ngộ nghĩnh, sinh động, không kém phần dễ thương.
Những chiếc đèn lồng ở đây có giá vừa phải, chỉ với 15.000 đồng đến 18,000 đồng là có thể sở hữu một chiếc đèn lồng nhỏ, đẹp. Những chiếc đèn lồng cỡ lớn có giá từ 30.000 đồng – 100.000 đồng.
Khâu đầu tiên với việc tạo khuôn hình, các nghệ nhân thực hiện việc chẻ tre nứa, rồi đan lại thành các hình thù độc đáo. Đây là khâu đòi hỏi sự sáng tạo, khéo léo của các nghệ nhân để tạo nên hình thù của lồng đèn. Khi đã xong khâu tạo hình, các nghệ nhân bắt tay vào công đoạn dán giấy kiếng và trang trí lồng đèn.
Ở công đoạn này đòi hỏi các nghệ nhân phải hết sức tỉ mỉ, công phu để có thể cho ra các sản phẩm phong phú với những hình ảnh, màu sắc độc đáo, bắt mắt.
Những chiếc đèn lồng giấy kiếng đa dạng hình thù, màu sắc như đèn ông sao, đèn bươm bướm, hình rồng, thuyền, đom đóm,... gợi lên một màu sắc truyền thống của Trung thu xưa. Ngoài ra, nhiều hình dạng mới tạo kiểu các nhân vật phim ảnh cũng rất bắt mắt khách mua hàng.
Một nghệ nhân tại đây cho biết: “Những năm gần đây, rất đông các cơ sở cũng như các gia đình đặt mua đèn lồng tại chỗ chúng tôi. Năm nay cũng như mấy năm trước, gia đình tôi làm ra khoảng 2.000 – 3.000 chiếc đèn lồng. Hiện tại thời điểm cận kề rằm, chúng tôi không nhận thêm đơn hàng mà tập trung làm xong để hoàn thiện các đơn hàng đã chốt và trả hàng cho khách”.
Sự du nhập của những điều mới mẻ
Làng Phú Bình nổi tiếng ở TP.HCM đã hơn nửa thế kỷ nay. Được biết xuất xứ làng nghề bắt đầu từ Bác Cổ (Nam Định). Thời điểm bấy giờ, những nghệ nhân làm lồng đèn di cư vào Nam, truyền nghề của cha ông cho con cháu và được cư dân xóm Phú Bình gìn giữ đến bây giờ. Đến những năm 90, lồng đèn Phú Bình trở nên rất hưng thịnh khi người dùng rất ưa chuộng lồng đèn giấy kiếng, mặc dù hình thù đơn giản, thô sơ.
Trải qua biết bao biến cố thăng trầm, nhất là vào thời điểm lồng đèn điện tử du nhập vào Việt Nam, lồng đèn truyền thống ngày càng khủng hoảng. Nhiều hộ gia đình đã từ giã nghề truyền thống của ông cha thay nghề khác kiếm kế sinh nhai.
Những năm trở lại đây, lồng đèn truyền thống ngày càng có sự khởi sắc khi hiệu ứng hoài cổ của người dân ngày càng thịnh hành. Xóm lồng đèn Phú Bình trở nên nhộn nhịp hơn. Bằng lòng yêu nghề và sự kế thừa truyền thống của ông cha, một số hộ gia đình tại xóm lồng đèn này khôi phục được vị thế của đèn lồng, tạo nên thương hiệu làng nghề đèn lồng truyền thống tại mảnh đất Sài Thành hoa lệ.
Clip: Các nghệ nhân làng nghề Phú Bình làm lồng đèn chuẩn bị cho Tết trung thu