Hoàng Nguyên (35 tuổi, Hà Nội) hỏi: "Con trai tôi rất thích bơi lội, nhất là trong những ngày hè nắng nóng như vừa qua. Tôi có nghe nói nước hồ bơi có thể là nguyên nhân gây nhiều bệnh về mắt. Vậy tôi nên vệ sinh mắt cho con như thế nào để ngừa các bệnh mắt do nước hồ bơi?".
- Bác sĩ Đặng Xuân Nguyên, Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, trả lời: Thời điểm nghỉ hè, chúng tôi có tiếp nhận khá nhiều trường hợp, kể cả trẻ con và người lớn, khi đi bơi ở các hồ bơi công cộng thường có biểu hiện ngứa mắt, đỏ mắt, ra gỉ (ghèn) nhiều... Đây là những biểu hiện của bệnh viêm kết mạc hay còn gọi là bệnh đau mắt đỏ. Một trong những nguyên nhân của bệnh viêm kết mạc là mắt bệnh nhân bị nhiễm khuẩn khi đi bơi ở sông ngòi, hồ ao và trong các hồ bơi công cộng.
Nước hồ bơi là môi trường lý tưởng của vi khuẩn Chlamydia trachomatis - tác nhân gây bệnh viêm kết mạc. Vi khuẩn này có thể từ bộ phận sinh dục lây vào mắt hoặc từ mắt sang mắt. Ngoài ra, viêm kết mạc cũng có thể do hóa chất, các loại vi khuẩn khác có trong nước hồ bơi không được vệ sinh tốt, nhất là tại các hồ bơi ở thành phố, thường xuyên quá tải. Đó là chưa kể ở những hồ bơi không bảo đảm điều kiện vệ sinh, nước hồ bơi có thể chứa những chất thải do một số người kém ý thức khi đi bơi thải ra như khạc nhổ, nước mũi, thậm chí tiểu tiện trong hồ bơi khiến mầm bệnh phát triển, lây lan.
Do đó, khi bơi ở các địa điểm công cộng không nên bơi quá lâu. Để hạn chế tác nhân gây bệnh cho mắt nên dùng kính bảo vệ mắt khi bơi. Sau khi bơi xong nên dùng nước muối sinh lý nhỏ và rửa mắt tại chỗ, đồng thời sục và rửa mũi họng bằng nước muối sinh lý sau đó mới đi tắm lại. Khi có các dấu hiệu mắt đỏ, cộm, nhức khi nhìn ánh sáng, chảy nước mắt nhiều... nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ tư vấn, điều trị.