Anh còn có con gái nhỏ đang sống với mẹ. Ly hôn, anh nhường nhà cho vợ, về ở với mẹ và không có nghề nghiệp ổn định.
Minh sau phút khoe với bạn bè về chồng mới đã tự hào: “Tiền tớ kiếm đủ xài, chỉ cần có chồng là ổn”.
Làm mẹ đơn thân nhưng Minh khá mạnh mẽ, một mình nuôi hai con. Lấy chồng, Minh làm thêm căn phòng nhỏ phía trước sát mặt đường cho anh mở tiệm sửa xe, sửa điện nước. Minh cũng mua cho anh chiếc xe máy và chủ nhật rồi còn sắm cho anh một lúc năm bộ đồ, hai đôi giày để thay đổi.
“Có cần làm vậy không? Trước đó anh ta vẫn ổn mà?”.
“Vào tay tao phải khác, không lẽ tao để chồng mình úi xùi, ai ngó?”.
Minh khoe, hằng tháng còn gửi cho con gái riêng của anh 500.000 đồng tiền cấp dưỡng. Năm trăm ngàn mua được gì thì Minh bĩu môi: “Trước đó tháng có tháng không thì sao, năm trăm ngàn ở quê là dư dả rồi”.
Cuối năm, đám bạn cũ lại hẹn hò gặp mặt. Cả đám ngạc nhiên khi thấy Minh mệt mỏi, chán chường. Như được khơi trúng nguồn cảm xúc, Minh nức nở tuôn trào: “Không lẽ giờ tao lại bỏ chồng?”.
Minh kể, tiệm sửa xe, điện nước trước nhà Minh mở cho chồng chỉ tồn tại được ba tháng, do chồng lười. Sửa điện nước phải đến tận nơi, không lẽ khách cắt dây điện hay mang ống nước đến cho mình sửa? Khách ế, tiệm biến thành nơi đánh bài.
Minh nhắc anh có thể làm thêm những việc đã làm hồi đó, thì anh nói: “Giờ khác rồi, đi đến đâu người ta cũng dè bỉu, chồng cô Minh mà đi làm mấy nghề này sao? Anh không sao nhưng anh quê giùm em nên thôi”.
Minh nóng máu, kiếm tiền chính đáng sao phải quê. Bản thân Minh cũng chỉ có sạp quần áo ngoài chợ, nhưng nhờ chịu khó tìm nguồn hàng rẻ, đi tận nơi lấy và bỏ sỉ là chính nên thu nhập mới khá. Hồi đó, có tháng anh kiếm được cả chục triệu đồng, nay một nửa chưa được, còn chi tiêu mạnh tay hơn, thêm chi phí giao tiếp bạn bè và lo cho mẹ già.
Chị vợ cũ của anh cũng trở chứng, đòi tăng tiền chu cấp. Chị ta đến tận nhà nói, bố ăn mặc bảnh bao mà để con không có tiền nộp bán trú… Minh nói, tiền chu cấp là tôi gửi chứ chồng cũ chị làm gì có tiền. Người phụ nữ kia không thèm để ý lời Minh, chỉ nói với chồng cũ.
Ảnh hưởng nghiêm trọng có lẽ là hai đứa con Minh. Ba mới thẳng tay sai bảo hai đứa trẻ. Buổi sáng, Minh phải đi lấy hàng sớm nên thằng anh phải rửa bình, pha trà, em phải đi mua cho chú (tụi nhỏ không chịu gọi ba) tô phở với bao thuốc rồi hai anh em mới được đi học.
Thằng anh ấm ức: “Ba con hằng tháng vẫn thăm nom tụi con, con còn chưa báo hiếu. Sao bắt con phải báo hiếu ông này, ổng chỉ biết mình, cũng chẳng yêu mẹ”.
Nghe con nói, Minh giật mình. Từ ngày có chồng mới, hai con thêm việc thật, quần áo từ hai ngày giặt một lần chuyển sang ngày nào cũng giặt, cũng phơi. Nấu nướng, dọn dẹp cũng nhiều hơn.
Một lần, thằng anh vừa đi học thêm về tới cổng đã bị sai đi mua phở cho chú ăn khuya. Thằng anh nói quán phở xa, chú đi được xe máy sao không đi, con đạp xe mệt lắm.
Anh vung tay tát thằng anh, chửi nó “mẹ mày còn chưa dám cãi tao, oắt con như mày to gan”. Thế là thằng anh xách đồ sang nhà ba, thằng em cũng đi theo, vì không dám ở nhà một mình với chú. Chị sang tìm con, hai đứa trẻ ấm ức kể hết mọi chuyện. Chị thấy mình sai rồi.
Có lẽ chị ở một mình quá lâu, quá chông chênh nên khi nhận được chút quan tâm, chị đã ngỡ tìm được bến đỗ cho cuộc đời mà quên suy xét kỹ.
Nghe anh than vợ cũ vụng, lại ẩu nên chị muốn chứng minh cho anh thấy còn người phụ nữ khác khéo léo, giỏi giang và yêu anh. Chị còn chiều chuộng anh quá mức, khiến anh quên những ngày chạy ăn từng bữa. Với hai đứa trẻ, chị nghĩ chúng sẽ ủng hộ mẹ mà quên hỏi ý kiến chúng. Chị cho rằng mình đã hy sinh cho chúng quá nhiều nên chắc chúng sẽ không phản đối, may mà chưa xảy ra chuyện gì nghiêm trọng.
Chồng cũ chị nói, nếu hai con ở bên đó vướng em thì để con sang bên này với anh.
Chị đành nhờ anh nuôi con một thời gian để ổn định gia đình.
Nhìn hai đứa trẻ buồn xo vẫy tay tạm biệt mẹ, chị thấy mình thật tệ. Tuổi này rồi, cần một bờ vai sao mà khó. Tuổi này rồi, con cái là tài sản quý giá nhất mà chị lại xem nhẹ.