Ung thư phổi là căn bệnh ung thư nguy hiểm và gặp nhiều ở cả hai giới. Ung thư phổi ngày càng có xu hướng gia tăng. Ngày nay, ung thư phổi được phát hiện nhiều ở những người trẻ tuổi, chiếm tỷ lệ khoảng 12% tổng số ung thư các loại tính chung trên toàn thế giới.
Dưới đây là những thông tin giúp bạn hiểu đúng về căn bệnh ung thư phổi.
Ung thư phổi là gì?
Phổi là bộ phận quan trọng nhất của hệ hô hấp, cho phép chúng ta hít thở. Ung thư phổi là tình trạng tăng trưởng không kiểm soát của các tế bào bất thường ở một hoặc cả hai phổi, thường là các tế bào thuộc lớp niêm mạc của đường thở. Những tế bào bất thường này không phát triển thành mô phổi khỏe mạnh mà phân chia nhanh chóng và hình thành các u gây cản trở chức năng phổi.
Tại Singapore, ung thư phổi là bệnh ung thư phổ biến thứ 2 ở nam giới và là bệnh ung thư phổ biến thứ 3 ở nữ giới. Nguy cơ phát triển ung thư phổi ở nam giới cao gấp 3 lần so với nữ giới.
Có mấy loại ung thư phổi?
Theo các chuyên gia, ung thư phổi được chia ra thành hai loại chính là ung thư phổi không tế bào nhỏ và ung thư phổi tế bào nhỏ, trong đó ung thư phổi tế bào nhỏ tiến triển nhanh hơn. Ở Việt Nam, ung thư phổi là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở cả hai giới.
Ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC), chiếm 80 - 85% tổng số trường hợp mắc bệnh. Đây là thuật ngữ chung để chỉ một số loại u phổi ác tính, bao gồm ung thư biểu mô tế bào vảy, biểu mô tuyến và biểu mô tế bào lớn.
Ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC) chiếm khoảng 15 – 20% các trường hợp. Loại này hầu như chỉ xảy ra ở những người nghiện thuốc lá nặng và ít phổ biến hơn so với ung thư không tế bào nhỏ.
Ngoài ra, vẫn có trường hợp có thể xuất hiện các khối u phổi lành tính. U lành có về cơ bản có sự khác biệt rất lớn với u ác tính (tế bào ung thư). Tuy nhiên, để có thể xác định chính xác tính chất của khối u, vẫn cần có các phương pháp chẩn đoán khoa học và chính xác từ các bác sĩ, chuyên gia y tế.
Các giai đoạn của ung thư phổi
Ung thư không tế bào nhỏ được chia thành 4 giai đoạn, tượng trưng cho mức độ di căn của các tế bào u ác tính. Việc chẩn đoán chính xác bệnh đang ở giai đoạn nào sẽ giúp bác sĩ có phác đồ điều trị phù hợp. Vì bệnh không gây ra các triệu chứng rõ ràng trong giai đoạn đầu, nên bệnh thường chỉ được chẩn đoán khi các tế bào khối u đã lan rộng.
Bốn giai đoạn của ung thư phổi không tế bào nhỏ gồm:
Giai đoạn 1: Tế bào ung thư được tìm thấy trong phổi, nhưng chúng chưa lan ra ngoài phạm vi này.
Giai đoạn 2: Tế bào xuất hiện ở phổi và các hạch bạch huyết lân cận.
Giai đoạn 3: Tế bào được tìm thấy trong phổi và các hạch bạch huyết ở giữa ngực.
Giai đoạn 3A: Tế bào ung thư có trong các hạch bạch huyết, nhưng chỉ ở cùng bên ngực nơi những tế bào ác tính đầu tiên xuất hiện.
Giai đoạn 3B: Ung thư lan sang các hạch bạch huyết ở bên ngực đối diện, hoặc đến các hạch bạch huyết trên xương đòn.
Giai đoạn 4: Ung thư giai đoạn cuối lan rộng cả hai phổi, sang khu vực xung quanh vị trí này hoặc đến các cơ quan ở xa.Trong khi đó, ung thư phổi tế bào nhỏ có 2 giai đoạn chính:
Giai đoạn hạn chế: Tế bào ung thư chỉ xuất hiện ở một bên phổi hoặc các hạch bạch huyết lân cận ở cùng bên ngực.
Giai đoạn mở rộng: Các khối u ác tính đã lan rộng; Khắp một lá phổi; Đến phổi đối diện; Đến các hạch bạch huyết ở phía đối diện; Lan ra chất lỏng xung quanh phổi; Đến tủy xương; Đến các cơ quan ở xa.
Thống kê cho thấy tại thời điểm chẩn đoán, 2 trong số 3 người mắc ung thư tế bào nhỏ đã ở giai đoạn mở rộng.
Triệu chứng của bệnh ung thư phổi
Ở giai đoạn sớm, bệnh thường không có triệu chứng. Ở giai đoạn muộn hơn, bạn có thể có các triệu chứng sau:
- Ho khan, ho máu, hay ho có đờm
- Đau ngực
- Khó thở
- Khàn tiếng
- Đau đầu (khi di căn não) hoặc phù mặt, cổ và tay (khi tĩnh mạch lớn ở ngực bị chèn ép)
Nếu khối u ở đỉnh phổi, bạn có thể có các triệu chứng sau:
- Đau ở tay, vai, hoặc cổ
- Sụp mí mắt, nhìn mờ, nửa mặt bị đỏ
- Yếu hoặc liệt tay
Tất cả các triệu chứng trên có thể do các nguyên nhân khác ngoài ung thư phổi. Nhưng khi bạn có các triệu chứng trên, hãy đi khám tại các cơ sở chuyên khoa để được bác sỹ khám, tư vấn bệnh.
Cách phòng ngừa bệnh ung thư phổi
Để phòng ngừa ung thư phổi bạn cần:
- Bỏ hút thuốc lá
- Tránh hít khói thuốc
- Tập thể dục thường xuyên
- Tăng cường chế độ ăn nhiều rau xanh và trái cây.
- Tránh tiếp xúc với phóng xạ và kim loại nặng
- Khám sức khoẻ định kỳ 6 tháng/lần