Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo cận thị là “đại dịch thầm lặng” ở trẻ em. Ước tính đến năm 2050, 90% trẻ em châu Á, trong đó có Việt Nam, bị cận thị. Tuy phổ biến, nếu được phát hiện và tuân thủ phác đồ từ giai đoạn sớm, tình trạng cận thị vẫn có thể kiểm soát nhằm hạn chế biến chứng gây giảm hoặc mất thị lực.
Không còn vùng an toàn cho cận thị
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Mai - Trưởng khoa Mắt và Phẫu thuật khúc xạ, Bệnh viện FV - bên cạnh yếu tố di truyền, lối sống là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cận thị ở trẻ. Ngày nay, trẻ nhỏ có ít thời gian sinh hoạt ngoài trời. Bên cạnh đó, việc tiếp xúc thiết bị điện tử trong thời gian dài khiến trẻ mắc cận thị sớm, tăng độ nhanh và có độ cận cao khi trưởng thành.
“Không còn vùng an toàn cho cận thị. Với mỗi độ cận - dù là nhẹ, đều làm tăng nguy cơ biến chứng nguy hiểm trong tương lai. Độ cận càng cao, nguy cơ dẫn đến biến chứng đe dọa thị lực nghiêm trọng càng lớn. Phải kể đến bong võng mạc, thoái hóa hắc võng mạc, lỗ hoàng điểm, glaucoma, đục thủy tinh thể… Cận thị nặng còn ảnh hưởng đến thẩm mỹ vì đeo kính dày, bất tiện trong sinh hoạt. Chúng tôi từng điều trị không ít ca bong võng mạc ở trẻ em do độ cận tăng nhanh và nặng”, bác sĩ Mai giải thích.
Để ngăn chặn bệnh về mắt do cận thị gây nên, trẻ cần được tầm soát, phát hiện cận thị từ sớm và có kế hoạch kiểm soát để làm chậm quá trình tăng độ.
“Độ cận thấp, nguy cơ mắc bệnh về mắt sẽ thấp. Mỗi độ cận giảm xuống góp phần hạn chế 40% nguy cơ phát triển bệnh lý gây ảnh hưởng đến thị giác. Chúng tôi không chỉ kiểm soát cận thị ở trẻ đã bị cận, nhóm trẻ giai đoạn tiền cận cũng cần được theo dõi, nhằm phòng ngừa hoặc trì hoãn thời gian khởi phát bệnh”, bác sĩ Mai nhấn mạnh.
Công nghệ AI phát hiện nguy cơ cận khi chưa có dấu hiệu lâm sàng
Trước tình trạng nhiều trẻ phát hiện cận thị khá trễ hoặc thiếu sự kiểm soát khiến độ cận ngày càng cao, khoa Mắt và Phẫu thuật khúc xạ, Bệnh viện FV triển khai chương trình kiểm soát cận thị trọn gói cho trẻ độ tuổi 3-18. Mục tiêu chương trình là phát hiện sớm nguy cơ cận thị ở trẻ, cũng như cung cấp lộ trình theo dõi, từ đó đưa ra biện pháp can thiệp kịp thời.
Theo đó, bệnh viện có hệ thống Myopia Master với công nghệ tiên tiến, tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI). Máy giúp dự đoán, phân tích mức độ tiến triển cận thị của trẻ đến năm 18 tuổi. Dựa trên kết quả đó, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ kiểm soát cận thị phù hợp cũng như theo dõi kết quả mỗi lần tái khám.
Ngoài ra, máy Myopia Master giúp phát hiện trường hợp có nguy cơ cận thị cao hoặc dự đoán chính xác thời gian bé bị cận (ở giai đoạn tiền cận thị). Thông qua thiết bị, bác sĩ sẽ kiểm soát, ngăn ngừa hoặc kéo dài thời điểm trẻ bị cận, giúp độ cận duy trì ở mức thấp.
Để kiểm soát cận thị, bệnh viện ứng dụng 4 phương pháp cơ bản: Nhỏ mắt bằng thuốc atropine nồng độ thấp; kính tiếp xúc chỉnh hình giác mạc (Ortho-K) đeo khi ngủ; kính gọng đa tròng và kính tiếp xúc đa tròng.
Anh Nguyễn Trương Vĩnh Bình - chuyên viên khúc xạ nhãn khoa - cho biết sau thời gian cho con tham gia chương trình, nhiều phụ huynh bất ngờ khi tình trạng cận thị tăng chậm, thậm chí ngừng tăng.
Đơn cử trường hợp bé trai N.T.H. (8 tuổi, TP.HCM) đến thăm khám vào tháng 10/2023, kết quả cho thấy bị cận 6 độ. Bé được dự đoán cận 13 độ vào năm 18 tuổi. Gia đình đăng ký cho H. tham gia chương trình kiểm soát cận thị.
Bệnh nhi được hướng dẫn thay đổi thói quen sinh hoạt (giảm thời gian dùng thiết bị điện tử, tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên nhiều hơn), nhỏ thuốc và dùng kính Ortho-K khi ngủ.
“Kết quả tái khám của H. sau 6 tháng có sự thay đổi lớn. Thay vì thẳng đứng như lần khám đầu tiên, đường tăng độ cận nằm ngang, cho thấy tiến triển cận thị chậm lại đáng kể. Điều này cho thấy bé đáp ứng tốt với liệu pháp điều trị", anh Nguyễn Trương Vĩnh Bình nhận xét.
Bác sĩ Nguyễn Thị Mai nhấn mạnh dù không có phương pháp nào ngăn chặn hoàn toàn, việc kiểm soát cận thị vẫn giảm thiểu tốc độ tăng cận, bảo vệ thị lực của trẻ. Điều quan trọng là phụ huynh cần quan sát, phát hiện sớm nguy cơ cũng như dấu hiệu cận thị, đưa bé đến tầm soát để có biện pháp ngăn ngừa hoặc kiểm soát từ sớm.