Trẻ sơ sinh khóc đêm chắc hầu hết bà mẹ nào cũng mắc phải, điều này khiến cho mẹ sau sinh trở nên mệt mỏi, lo lắng. Nếu tình trạng này kéo dài rất dễ ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ lẫn bé. Nếu mẹ không biết con khóc do nguyên nhân gì và làm thế nào để dỗ trẻ nín khóc thì hãy đọc bài viết này để hiểu rõ vấn đề hơn.
1. Nguyên nhân trẻ sơ sinh khóc đêm
Trẻ sơ sinh hay khóc đêm có thể do một số yếu tố khiến cho bé cảm thấy khó chịu. Ngoài ra, có nghiên cứu cho rằng khoảng 20% bé sơ sinh có hội chứng khóc đêm, dân gian còn gọi là "khóc dạ đề". Nếu bé khóc dai dẳng, không ngưng khóc cho dù mẹ tác động bằng cách gì mà không kèm thêm các dấu hiệu khác thì mẹ không cần phải lo lắng.
Đây không phải là bệnh mà là một hội chứng bình thường hay gặp ở trẻ sơ sinh. Vì vậy, mẹ chỉ còn cách sống chung và làm quen với việc bé khóc đêm mà thôi. Trong trường hợp này mẹ hãy cân bằng sức khỏe để "chiến đấu" cùng con để đảm bảo sức khỏe, mẹ hãy tranh thủ ngủ nhiều hơn vào ban ngày, hoặc ngủ khi con ngủ, bổ sung nhiều dinh dưỡng để có một sức khỏe ổn định, tránh mệt mỏi do mất ngủ.
Nếu không phải khóc dạ đề thì có thể do một số nguyên nhân dưới đây:
Trẻ đói bụng
Một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến bé khóc đêm có thể do bé bị đói. Do có nhu cầu đòi ăn nên bé khóc để được mẹ cho bú hoặc uống sữa.
Trẻ mọc răng
Mọc răng ở trẻ thường khiến cho trẻ không những bị sốt mà còn quấy khóc đêm. Tình trạng này thường kéo dài cho đến khi răng trẻ hoàn thiện. Mọc răng làm cho bé cảm thấy đau lợi, khó chịu nên trẻ rất dễ quấy khóc vào ban đêm.
Do tã, bỉm bị ướt
Nếu bé tiểu dầm hoặc đại tiện vào ban đêm sẽ khiến cho da bị ướt, khó chịu, ngứa ngáy và không thể ngủ ngon giấc. Đây cũng chính là dấu hiệu mà bé muốn thông báo đến mẹ để mẹ thay tã cho con.
Do nghẹt mũi, cảm sốt
Do trẻ sơ sinh có sức đề kháng còn non yếu nên rất dễ bị cảm cúm tấn công. Sổ mũi, ngạt mũi khiến bé khó thở và khó chịu cũng chính là một nguyên nhân gây khóc đêm ở trẻ sơ sinh.
Do âm thanh xung quanh bé
Nếu bé đang ngủ đêm nhưng có tiếng ồn phát ra như âm thanh tivi, người lớn nói chuyện, tiếng ho,... cũng làm cho trẻ giật mình tỉnh giấc và khóc đêm.
Do hệ tiêu hóa của bé
Nếu bé gặp một số vấn đề về tiêu hóa như đầy hơi, trướng bụng do thức ăn khó tiêu cũng khiến cho bé khóc về đêm.
Do các tác nhân gây dị ứng
Có thể bé khóc đêm do các nguyên nhân như khói thuốc của bố hút trong phòng, phấn thơm, phấn rôm, dầu thơm,... đều khiến bé dễ bị kích ứng, khó chịu, khiến bé tỉnh giấc và quấy khóc.
Do mẹ rời con đột ngột
Nếu bé đã quen với hơi ấm và vòng tay của mẹ hoặc ông bà cưng chiều và ôm ấp nhiều thì khi bé ngủ một mình hoặc mẹ dậy đi vệ sinh cũng khiến cho bé tỉnh giấc và khóc đêm.
Do thời gian ngủ không hợp lý
Khi trẻ sơ sinh mới được 3 tháng trở lại, bé không thể phân biệt được ngày - đêm, đến khoảng 4 tháng tuổi, bé bắt đầu ngủ trong bóng tối nhiều hơn, giật mình và tỉnh giấc khi có ánh sáng. Vì vậy nếu mẹ để bé ngủ nhiều ban ngày thì ban đêm bé sẽ thức dậy để chơi.
2. Làm gì khi trẻ sơ sinh khóc đêm?
Nhiều mẹ đặt câu hỏi trẻ sơ sinh khóc đêm phải làm sao? Nếu trẻ sơ sinh khóc đêm và kèm theo một số triệu chứng khác thì mẹ có thể dùng một số cách để dỗ bé nín khóc. Dưới đây là một số mẹo chữa trẻ sơ sinh khóc đêm mà mẹ có thể thực hiện.
- Căn cữ cho bé ăn/bú để ban đêm dậy cho bé ăn đúng giờ. Nếu cảm thấy no bụng, bé sẽ ngủ ngon và không quấy khóc nữa. Trường hợp đã cho bé ăn no nhưng vẫn khóc đêm thì có thể do nguyên nhân khác.
- Nếu thấy bé khóc mẹ hãy nhanh chóng kiểm tra xem bỉm, tã có bị ướt không và thay bỉm mới cho bé.
- Nếu nghi ngờ bé khóc đêm do mọc răng, mẹ có thể kiểm tra bằng cách nhận thấy bằng mắt đó là cằm, gò má, nướu của trẻ có dấu hiệu sưng đỏ, bé sốt cao hoặc sốt nhẹ! Trường hợp này mẹ không được chủ quan như các nguyên nhân khác mà cần phải theo dõi bé. Nếu sốt cao thì mẹ hãy cho bé uống hạ sốt ngay. Nếu không cắt sốt và bé khóc không ngừng thì hãy cho đi khám bác sĩ ngay.
- Nếu nguyên nhân bé khóc do cảm sốt, nghẹt mũi, khó thở thì mẹ có thể thực hiện một số cách giúp bé dễ thở hơn như chườm khăn ấm cho trán, nách, bẹn để giảm sốt cho bé, rửa mũi cho bé bằng nước muối sinh lý. Nếu vào mùa hè, mẹ cho bé nằm điều hòa thì phải điều chỉnh nhiệt độ phù hợp, không nóng quá, không lạnh quá, chú ý bé có thể đạp chăn ra hoặc hở bụng, tránh để trẻ bị lạnh vào ban đêm.
- Tạo môi trường ngủ cho bé một cách yên tĩnh, không gây tiếng ồn khiến bé giật mình, không bật đèn sáng chói mắt bé. Nếu bé bị giật mình và quấy khóc thì mẹ hãy ôm bé vào lòng, vỗ về cho bé yên tâm ngủ ngon.
- Nếu bố hút thuốc hãy đi ra ngoài nhà để hút và không để người bố hút thuốc ngủ chung phòng với trẻ sơ sinh.
- Nếu trẻ khóc do đầy hơi, trướng bụng mẹ có thể thực hiện massage nhẹ nhàng vùng bụng cho bé dễ chịu, sờ nắn bụng bé xem có biểu hiện bất thường không? Nếu bé vẫn quấy khóc thì hãy cho bé đi gặp bác sĩ.
- Không để gấu bông, các loại tinh dầu thơm, phấn rôm,... xung quanh chỗ ngủ của bé vì chúng có thể gây kích ứng khiến bé khó chịu.
- Tập cho bé thói quen ngủ khoa học, ban ngày mẹ hãy chơi với bé nhiều hơn, nói chuyện, cười với bé để bé chơi nhiều hơn ngủ, như vậy ban đêm bé sẽ ngủ nhiều và ngon hơn, tránh tình trạng bé "ngủ ngày, cày đêm".
- Mẹ không nên thường xuyên ôm bé vào lòng vì tạo thành thói quen xấu cho bé. Mẹ tập cho bé ngủ một mình ở giường, ở nôi, đặt bé nhẹ nhàng, giữ chặt bé một lúc khi đặt xuống rồi mới thả ra.
- Mẹ có thể cho bé nghe nhạc sóng não dành cho bé, âm nhạc nhẹ nhàng, thư giãn cũng giúp cho trẻ ngủ ngon và sâu giấc hơn. Nhiều bé đang khóc to nhưng khi thấy âm nhạc lại nín ngay lập tức.
- Thường xuyên bổ sung canxi và Vitamin cho bé, tắm nắng thường xuyên vì thiếu canxi cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ khóc đêm.
3. Khi nào nên cho bé đi gặp bác sĩ?
Trẻ sơ sinh khóc đêm cũng là một dấu hiệu phát triển bình thường ở trẻ. Thông thường sau khi sinh khoảng 2-3 tuần là thời gian bé khóc nhiều và khóc đỉnh điểm nhất là khoảng tuần thứ 6 đến tuần thứ 8. Vượt qua mốc thời gian này, bé thường có xu hướng ngoan hơn và ít quấy khóc hơn.
Trường hợp nếu mẹ đã làm mọi cách nhưng trẻ vẫn không nín khóc và kèm theo một số dấu hiệu bất thường như sốt, khó thở, bú kém, mất tỉnh táo,... thì hãy nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám vì có thể do tiềm ẩn một căn bệnh nào đó.
Trên đây là một số kiến thức về nguyên nhân và cách trị trẻ sơ sinh khóc đêm, mẹ nên biết và áp dụng cho con. Hy vọng những thông tin hữu ích trên đây có thể giúp mẹ giải quyết được vấn đề nhằm đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ lẫn con.