Nghiên cứu mới đây được công bố trên tạp chí Nature Aging cho thấy thời hoàng kim giúp tăng tuổi thọ của con người sắp kết thúc.
Tác giả chính của nghiên cứu S. Jay Olshansky, nhà thống kê sinh học nghiên cứu các giới hạn trên về tuổi thọ con người tại Đại học Illinois, Chicago, nói với Business Insider: "Nếu ai đó nói rằng họ biết cách giúp bạn đạt được con số 100 tuổi, đừng nghe họ vì họ không biết đang nói về điều gì".
Trong nghiên cứu, ông Olshansky và các cộng sự đã kiểm tra dữ liệu từ Mỹ, cộng với 8 quốc gia có dân số sống lâu nhất trên thế giới (Australia, Pháp, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sỹ) và một nơi mà cho đến gần đây vẫn luôn tự hào về tuổi thọ cao nhất trên Trái đất là Hong Kong (Trung Quốc). Nghiên cứu theo dõi tỷ lệ tử vong và tuổi thọ từ năm 1990 đến năm 2019, trước khi đại dịch Covid-19 bắt đầu.
Kết quả cho thấy phụ nữ tiếp tục sống lâu hơn nam giới, và tuổi thọ được cải thiện, nhưng tốc độ đang chậm lại. Năm 1990, mức tăng tuổi thọ trung bình khoảng 2,5 năm mỗi thập kỷ. Đến những năm 2010, con số này giảm xuống còn 1,5 năm. Và ở Mỹ, sự cải thiện gần như không đáng kể.
Ông Olshansky cho biết có khả năng số lượng người sống đến 100 tuổi sẽ tăng lên trong những thập kỷ tới, nhưng đó là do sự gia tăng dân số. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn hạn chế, nếu không có bất kỳ tiến bộ nào, chỉ chưa đến 15% ở phụ nữ và 5% ở nam giới sống tới độ tuổi đó ở hầu hết quốc gia trong thế kỷ này.
Theo nghiên cứu, lão hóa là rào cản lớn ở đây. Mặc dù chúng ta đã đạt được một số bước tiến ấn tượng với công nghệ y tế, cơ thể con người chỉ có thể kéo dài tuổi thọ cho đến nay.
Theo ông Olshansky, một trong những lý do khiến mọi người thường không sống lâu nhất có thể là vì họ áp dụng lối sống không lành mạnh. Một số biện pháp can thiệp chống lão hóa tốt nhất mà chúng ta có hiện nay bao gồm chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều rau và ngũ cốc nguyên hạt kết hợp với tập thể dục nhiều. Tập thể dục cũng là liều thuốc chống lão hóa tốt nhất mà chúng ta tìm thấy cho đến nay.