Dư luận hiện nay vẫn đang quan tâm đến sự việc một cô giáo cầm kéo cắt tóc một nữ sinh ngay trên bục giảng trong một clip xuất hiện và lan truyền. Khi bị cô giáo cắt tóc, nữ sinh cùng các học sinh ngồi dưới lớp la ó phản đối.
Nội dung đoạn clip cho biết thêm, nữ sinh nhuộm tóc màu vàng, mặc dù đã được cô giáo nhắc nhở từ trước Tết Nguyên đán nhưng em vẫn không khắc phục. Cô giáo cũng đã từng gọi nữ sinh này ra nói chuyện riêng về việc em nhuộm tóc màu vàng vi phạm quy định của nhà trường.
Liên quan đến vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tâm lý Hồng Hương – Thường trực Thư viện Lưu trú (thuộc Hội Bảo vệ quyền Trẻ em Việt Nam):
PV: Chuyên gia có nhìn nhận thế nào về sự việc cô giáo cắt tóc nữ sinh ngay trên bục giảng?
Chuyên gia tâm lý Hồng Hương:
Xét ở góc độ tâm lý, hành vi của cô giáo là không quản lý được cảm xúc của chính mình. Xét theo góc độ giáo dục là hành vi chưa đúng chuẩn mực của nhà giáo. Hành vi của cô giáo là hành vi xâm hại thân thể, sự riêng tư trầm trọng, ảnh hưởng tiêu cực tới trẻ. Tuy nhiên nếu xét đúng sai, thì cả hai cùng sai và học sinh sai trước (cười).
Phân tích độ tuổi học sinh, thì đây là độ tuổi các em khẳng định bản thân, thể hiện cá tính nên thường có những gu thẩm mỹ theo trào lưu hoặc sự khác lạ. Chính các em biết là chưa đúng với quy định, nhưng vẫn muốn làm theo ý mình. Đến chính gia đình, các bậc cha mẹ cũng nhiều khi thấy bất lực.
Và vì tâm lý lứa tuổi thời kỳ này như vậy nên rất cần các bậc cha mẹ, giáo viên chúng ta quan sát xem cách thức nào phù hợp. Từ đó, để đưa tới hành vi con tự đi vào những kỷ luật, chứ không nên làm những hành vi cưỡng chế như cô giáo làm.
PV: Những ảnh hưởng tiêu cực mà trẻ có thể đối diện?
Chuyên gia tâm lý Hồng Hương:
"Hàm răng mái tóc là góc con người". Mái tóc, hàm răng đem lại cho trẻ hoặc là tự tin hoặc là tự ti rất lớn. Khi mà trẻ chọn để tóc ra sao, dù chúng ta nhìn không ưng mắt thì với trẻ thế mới đẹp; Có ai thấy không đẹp mà để nguyên đâu?
Nhớ rằng độ tuổi này rất nhạy cảm nên các em có thể rơi vào trạng thái khủng hoảng tâm lý, thậm chí trầm cảm và nghĩ quẩn. Những bạn cá tính mạnh có thể phản ứng tại chỗ cãi nhau với cô thậm chí có trường hợp tác động vật lý ..
Trong clip, chúng ta đã nhìn thấy trẻ cãi lại, và chắc chắn nếu không được can thiệp tâm lý sẽ sinh thù ghét cô giáo, tư ti, xấu hổ… nhớ cả cuộc đời; một số dần trở nên ngỗ ngược, một số chán nản, lâu ngày có thể thể rơi vào trầm cảm... Tâm lý tiêu cực này không chỉ đến với người bị cắt tóc và với cả các bạn học sinh ngồi xem hành vi này.
PV: Ngành giáo dục và cả giáo viên hiện "lúng túng" trong việc xử lý học sinh vi phạm, đặc biệt là vi phạm nghiêm trọng. Vậy với những học sinh ngỗ ngược, chống đối, làm sai nội quy của nhà trường nên uốn nắn thế nào cho phù hợp, nhất là các em đang ở độ tuổi thanh thiếu niên mà không xâm hại tới quyền của trẻ?
Chuyên gia tâm lý Hồng Hương:
Luôn có nhiều hơn một con đường để đi tới thành "Rome". Cách nhắc nhở mà không hiệu quả ta dùng thêm cách khác. Gặp riêng tâm sự là một cách hiệu quả, vì trẻ độ tuổi này nếu được tôn trọng là trẻ sẽ nghe. Các cô không nên chỉ nhắc chung chung thì 80% nghe, còn 20% chẳng để tâm. Tiếp nữa nếu gặp riêng rồi mà không "ăn thua" thì chúng ta phối hợp với gia đình.
Quan trọng nhất muốn làm được như vậy, cô giáo phải quản lý được cảm xúc của mình; thầy cô cần nhớ vai trò của mình, quyền hạn, trách nhiệm của mình. Và trẻ chỉ cảm nhận được tình yêu thương của cô thông qua sự chân thành trong khi cả hai cùng bình an. Chỉ có "cây cầu bình an" mới kết nối được sự chân thành, điều tốt đẹp mà cô muốn gửi học trò và học trò gửi cô.
PV: Chuyên gia có thể gợi ý gì khi giáo viên gặp phải những trường hợp học sinh "ngỗ ngược", "chống đối"… nhắc mãi trẻ vẫn phớt lờ ?
Chuyên gia tâm lý Hồng Hương:
Thầy cô có thể tham khảo bằng các bước sau:
1. Gặp riêng trẻ, với tâm thái như là đàm phán với đối tác: có nghĩa là đồng thuận với tất cả những cảm xúc của học sinh
2. Tâm sự với trẻ về nỗi lòng cô thầy, khi mà lớp có người không thực hiện nội quy, những khó khăn của cô trong vai trò chủ nhiệm, thể hiện sự đồng cảm, khen mái tóc của học sinh, bày tỏ sự cảm thông khi học sinh phải thay đổi kiểu tóc, giải thích ngắn gọn dưới hai phút về điều tích cực khi học sinh thực hiện nội quy, bước cuối là kêu gọi hành động có kèm thời gian…
Thường thì trẻ nghe 100% khi cô làm theo bước này với cách thức và thái độ đúng. Giả sử bước này không thành công thì cô trò chuyện với phụ huynh để phối hợp. Mà không được nữa thì báo cáo nhà trường cùng phối hợp, mọi việc đều trên tinh thần tôn trọng.
PV: Có những ý kiến cho rằng, biết là cả hai cùng sai, nhưng bây giờ bắt cô xin lỗi, và lên án cô quá, thì sau này có khiến học sinh trở thành quá trớn, coi thường thầy cô. Theo chuyên gia, trong sự việc này nên xử lý thế nào cho thấu đáo?.
Chuyên gia tâm lý Hồng Hương:
Ở nhà có cha mẹ, lên lớp thì có thầy cô, thời gian bây giờ học sinh ở trường có khi còn nhiều hơn ở nhà. Mối quan hệ Thầy – Trò cũng thiêng liêng và cao quý. Chúng ta cũng nên có cái nhìn hoan hỉ cho hành vi của cô gió và học trò, chúng ta nên xem xét trên động cơ. Cô không có động cơ xấu, đều xuất phát muốn mọi điều tốt đẹp, muốn lớp tuân thủ nội quy của nhà trường, rồi cũng nhắc nhở nhiều lần…nhưng học sinh chưa nghe
Việc xin lỗi học sinh là việc phải làm, có điều chúng ta chú ý một chút.
Mỗi đất nước, mỗi địa phương đều có một văn hóa riêng. Việt Nam ta là nước tôn sư trọng đạo. Trong trường hợp này, nếu phải xét sai đúng thì học sinh sai trước, xét về văn hóa thì là người nhỏ tuổi, xét về quan hệ là học trò.
Ở tuổi chưa thành niên các em dễ hiểu lệch lạc, chạy theo đám đông. Thấy cô phải xin lỗi mình có khi quên mất là mình cũng có lỗi, nên thiết nghĩ phòng tâm lý nên vận động để học trò xin lỗi cô, sau đó mới đến cô xin lỗi học trò thì là tốt nhất. Cứ hai bên xin lỗi nhau là được. Tuổi trẻ dễ tổn thương mà cũng đã dần hiểu chuyện, cũng rất dễ bỏ qua, nên sau khi xin lỗi mà cô trò ôm nhau một cái khó chịu khoảng cách sẽ tan biến. Sẽ chẳng có sự khiến học sinh trở thành quá trớn nào diễn ra đâu.
PV: Cảm ơn Chuyên gia Hồng Hương