Như PLO đã phản ánh lúc 11 giờ 30 phút ngày 31-12-2022 có một nhóm trẻ em độ tuổi từ 11 tuổi đến 12 tuổi lẻn vào công trường và được bảo vệ phát hiện đuổi ra khỏi công trường.
Tuy nhiên đến khoảng 11 giờ 50 phút công trường đang nghỉ trưa thì nhóm trẻ trên lại tiếp tục lẻn vào công trường phía mố MA. Sau đó, một bé trai đã bị lọt vào trong lòng cọc ống D500 tại mố MA (Cọc C1-MA) có đường kính khoảng 25 cm.
Khu vực xảy ra tai nạn thuộc dự án cầu Kênh Rọc Sen thuộc Gói thầu số 14 dự án xây dựng tuyến ĐT.857 đoạn QL.30 - ĐT.845 do sở GTVT Đồng Tháp làm chủ đầu tư. Dự án này Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Tháp được giao nhiệm vụ quản lý.
Nhà thầu thi công là Liên danh Công ty CP Công trình cầu phà TP.HCM – Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vận tải Xây dựng Giao thông T&T, Công ty CP Công trình cầu phà TP.HCM.
Tại thời điểm xảy ra sự cố công trường ngừng làm việc và nhân công đang nghỉ trưa. Trước thời điểm đó công trình vẫn hoạt động thi công bình thường theo đúng hồ sơ thiết kế và biện pháp thi công được duyệt.
Một tư vấn giám sát ở TP.HCM cho biết: Để một dự án triển khai thi công, trước mắt cần có hàng rào xung quanh dự án trước mới có thể triển khai được. Bên cạnh đó phải có biển cảnh báo, bảng thông tin công trình, các biện pháp an toàn lao động. Mặt khác, phải có bảo vệ túc trực để cảnh báo người dân, đặc biệt không được cho những người không phận sự vào địa phận công trình.
"Việc để một nhóm trẻ con ra vào công trình nhiều lần như vậy là trách nhiệm nhiều đơn vị. Chỉ có những người đủ 18 tuổi, đủ sức khỏe và có phận sự mới được phép vào công trình" - vị Tư vấn giám sát này cho biết.
Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn khu vực cọc khoan nhồi, nhà thầu và tư vấn giám sát phải có dây cảnh báo và biển cảnh báo từng khu vực nguy hiểm cho những người tham gia công trình.
PGS-TS Nguyễn Hữu Thuấn, giảng viên cao cấp Trường ĐH Giao thông vận tải, cho biết theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 18:2021/BXD An toàn trong thi công xây dựng có quy định rõ về các điều kiện an toàn lao động, đối với nhiều loại công trình khác nhau.
Tuy nhiên, tại hiện trường có triển khai hay không, thì cơ quan chức năng cần kiểm tra lại. Ví dụ, thi công trên cao phải có lan can, tay vịn. Đồng thời, các công trình khác phải che chắn - rào chắn, có bảng chỉ dẫn hoặc cảnh báo nhằm đảm bảo an toàn lao động tại công trình.