Tất cả 39 người thiệt mạng bên trong một container đông lạnh trên xe đầu kéo ở Essex, Anh, đều là công dân Việt Nam.
Cảnh sát địa phương ở Anh cũng như Bộ Công an Việt Nam hôm 7/11 đã xác nhận điều này, sau hơn hai tuần từ khi phát hiện 39 thi thể. Trong những thông cáo được phát đi, giới hữu trách cả hai nước đã gửi lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân.
Bộ Công an cho hay 39 người thiệt mạng thường trú tại Hải Phòng, Hải Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Thừa Thiên - Huế.
Những tiếng khóc than không dứt. Những bàn thờ vọng được dựng vội. Những niềm hy vọng dần vụt tắt... Khó có thể tưởng tượng được tâm trạng của gia đình những người được tin là nạn nhân thảm kịch Essex trong hơn hai tuần qua.
Đoạn tin nhắn cuối cùng
Cho đến tối 7/11, một số gia đình nói họ vẫn chưa nhận được thông báo từ phía Anh, xác nhận con em của họ nằm trong số 39 nạn nhân.
Song những dòng tin nhắn bi thương của một cô gái trẻ đến nay vẫn là nỗi ám ảnh đến tận cùng và là lời đề từ bi thương cho câu chuyện về số phận của 39 người Việt xa xứ.
Nghĩ rằng mình có lẽ đang cận kề với cái chết, cô gái trẻ đã dùng chút sức lực cuối cùng để gửi đi những lời cuối cùng cho gia đình.
"Con xin lỗi bố mẹ nhiều mẹ ơi... Con đường đi nước ngoài không thành. Mẹ ơi, con thương bố mẹ nhiều. Con chết vì không thở được".
Đoạn tin nhắn của một cô gái có thể nằm trong số 39 nạn nhân.
Cô gửi tin nhắn cho mẹ lúc rạng sáng nhưng đến gần trưa người mẹ mới kiểm tra điện thoại. Mẹ cô gọi lại, nhưng ứng dụng trên điện thoại chỉ hiện lên ba chữ "Người nhận bận".
Đoạn tin nhắn được gửi đi lúc 21h28 ngày 22/10 theo giờ Anh. Đó là khoảng 4 tiếng trước khi cảnh sát ở hạt Essex, phía đông bắc London, phát hiện 39 thi thể trong thùng container đông lạnh của một xe đầu kéo.
Tin tức kinh hoàng ở Essex nhanh chóng làm náo động các vùng quê Việt Nam, tập trung tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, khi các gia đình lần lượt trình báo về việc mất tích của con cháu ở nước ngoài, với nỗi sợ rằng người thân yêu của họ có thể là một trong 39 người.
Cảnh sát Essex ban đầu nói họ tin toàn bộ nạn nhân là công dân Trung Quốc, điều nếu được khẳng định sẽ là sự lặp lại của một thảm kịch tương tự từng xảy ra ở Anh vào năm 2000. Tuy nhiên đến hôm 1/11, họ cho biết có nạn nhân người Việt, dù chưa xác định cụ thể danh tính. Ngày 7/11, cảnh sát thông báo tất cả nạn nhân đã được nhận diện và thông tin đã được báo đến các gia đình.
"Chúng tôi gửi lời chia buồn với gia đình và bạn bè của những người đã có hành trình bi thảm, kết thúc ở bờ biển của chúng tôi", Thanh tra cao cấp Tim Smith, đại diện cảnh sát Essex, cho hay trong một thông cáo hôm 7/11.
10.000 km
Cô gái trên, và có thể là nhiều người trong số 39 người đó, đã trải qua hành trình hơn 10.000 km, đưa cô từ Hà Tĩnh đến Trung Quốc, nơi cô hy vọng có thể suôn sẻ đến Anh để nhận công việc làm móng.
Gia đình cô cho biết họ không nghe thấy gì từ cô cho đến khi họ nhận được tin nhắn cuối cùng của cô tối 22/10 (giờ Anh). Lúc này, chiếc container chứa 39 người đã đến cảng Zeebrugge ở Bỉ và đang chờ để được đưa lên một chiếc phà đi qua Vương quốc Anh.
Chiếc container cập cảng Purfleet ở Essex lúc 0h30 ngày 23/10, ba tiếng sau tin nhắn cuối cùng của cô. Tại đây, một chiếc xe đầu kéo đi từ Ireland, do tài xế tên Mo Robinson điều khiển, đã đón chiếc container.
Tài xế Robinson rời Purfleet lúc 1h05 và camera quan sát cho thấy anh ta lái chiếc xe hướng về khu công nghiệp Waterglade, cũng ở hạt Essex, sau đó đỗ xe trên Đại lộ Miền Đông.
Anh ta được cho là đã liên lạc với dịch vụ xe cứu thương vào lúc 1h40, ngay sau khi phát hiện thi thể 39 người trong container với nhiệt độ chỉ ở mức -25 độ C.
Chiếc xe đầu kéo trong vụ việc. Ảnh: PA.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc chiều 24/10 xác nhận toàn bộ 39 nạn nhân là công dân Trung Quốc, nhưng dường như họ đã vội vã. Một ngày sau, Bắc Kinh nói cảnh sát Anh vẫn chưa xác định danh tính các nạn nhân.
Vụ việc đã tạo cơ hội cho truyền thông nhà nước Trung Quốc chỉ trích chính quyền Anh vì đã không ngăn chặn được một kịch bản khủng khiếp tương tự, khi 58 công dân Trung Quốc được tìm thấy đã chết ngạt bên trong một container ở Dover vào năm 2000.
"Chúng tôi nợ những người đã chết một cuộc điều tra chính xác và việc suy đoán (danh tính) không giúp ích gì. Thực tế, việc suy đoán có thể cản trở cuộc điều tra và triển triển của nó", bà Pippa Mills, phó cảnh sát trưởng hạt Essex, nói hôm 25/10.
Việt Nam đã cử đoàn công tác liên ngành gồm Bộ Công an và Bộ Ngoại giao lên đường đến Anh đầu tuần này để phối hợp với lực lượng sở tại xác định danh tính nạn nhân.
Họ là ai?
Cho đến nay, tất cả 39 người thiệt mạng đều được cho là lao động di cư không hợp thức.
Các nhóm người Việt ở Anh cho biết họ đã liên tục nhận được cuộc gọi, tin nhắn hỏi rằng liệu họ có biết danh tính của những người thiệt mạng, liệu đó có phải là người thân của một ai đó.
Một cô gái 19 tuổi, quê Nghệ An, dường như đã có mặt trên chuyến xe định mệnh. Cha của cô mất vì ung thư vài năm trước. Gia đình cho biết cô sang Trung Quốc hồi tháng 8, sau đó sang Đức rồi Bỉ.
"Tôi chỉ muốn một cuộc sống yên bình", cô viết bên dưới một tấm ảnh chụp cô mỉm cười bên cánh đồng lúa vài tuần sau khi rời Việt Nam. Nghe tin về sự việc ở Essex, mẹ cô đã lập bàn thờ vọng cho con gái.
Một chàng trai 20 tuổi, quê Hà Tĩnh, đã sinh sống không giấy tờ ở Pháp từ năm 2018. Cha của cậu cho hay cách đây vài tuần, cậu nói với ông về kế hoạch đi từ Pháp sang Anh. Ông đã ngã quỵ khi nghe một người thân báo con trai có thể gặp chuyện chẳng lành ở Essex.
Anh trai của cậu cho biết cậu có một hình xăm - đôi tay cầu nguyện trên thánh giá - ở trên vai phải. Họ mong thông tin này có thể giúp cơ quan chức năng Anh nhận dạng được người thân.
Một thanh niên 28 tuổi, cha của hai đứa trẻ, cũng được tin là nằm trong số 39 người. Vợ anh nói anh đã gọi cho cô để thông báo anh đã trên xe tải đến Anh. Anh bảo cô gọi điện cho ba mẹ và nói họ cầu nguyện cho anh, nhưng sau đó bặt vô âm tín.
Người thân cầm ảnh của một người được cho là nạn nhân. Ảnh: NYT.
Trong một cuộc họp báo hôm 4/11, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, giám đốc Công an Nghệ An, cho biết đã có 24 người được gia đình thông báo mất tích, nhưng sau đó 3 người đã liên hệ với gia đình, chỉ còn 21 người chưa có thông tin.
Ông Cầu cũng cho hay điều tra bước đầu xác định đây không phải là buôn người "vì họ ra nước ngoài làm ăn và có nộp tiền".
"Có người nộp đến 49.000 USD, tức là hơn 1 tỷ đồng, có người nộp 600-700 triệu để đi", ông nói. "Không ai bỏ ra 1 tỷ để người ta buôn mình cả".
10 gia đình khác tại Hà Tĩnh đã trình báo mất liên lạc với người thân khi họ qua Anh.
Đánh đổi
Trong nhiều năm qua, việc người Việt tìm cách đến châu Âu lao động đã không còn là chuyện mới. Nhiều người ra đi với hy vọng kiếm được nhiều tiền hơn để gửi về gia đình, dù hành trình đó đầy rẫy hiểm nguy.
Anh là đích đến phổ biến, và một số khu vực ở Pháp, nằm đối diện Anh qua eo biển Manche, đã trở thành điểm tập kết của những người muốn vượt biên. Họ góp phần tạo nên những cái tên nổi tiếng như "Calais Jungle" (rừng Calais) hay "Vietnam City" (thành phố Việt Nam).
Theo báo cáo năm 2017 của Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên Hợp Quốc, có khoảng 18.000 người Việt Nam sang châu Âu mỗi năm theo các đường dây đưa người "đi lậu" đang hoạt động mạnh. Chi phí cho mỗi chuyến đi vào khoảng từ 10.000 đến 50.000 USD.
Hầu hết họ mong muốn tìm được công việc với thu nhập tốt song không phải ai cũng may mắn. Một báo cáo tháng 3 năm nay do ba tổ chức chống buôn người ECPAT UK, Anti-Slavery International và Pacific Links tiến hành cho thấy trên suốt chặng đường sang châu Âu, người Việt vào các nước châu Âu đều gặp nguy cơ bóc lột ở các xí nghiệp may, các công trường xây dựng, nhà thổ, trang trại cần sa hay tiệm làm móng.
Tại Anh, Việt Nam là nước đứng thứ hai về số nạn nhân nô lệ hiện đại nước ngoài năm 2018, theo National Referral Mechanism (NRM), cơ quan chịu trách nhiệm nhận dạng và hỗ trợ các nạn nhân buôn bán người.
Một tiệm làm móng ở Anh. Ảnh: New York Times.
Không phải tất cả 20.000 đến 35.000 (theo ước tính) người nhập cư Việt Nam không có giấy tờ ở Anh đều có những câu chuyện kinh dị để kể. Theo các chuyên gia, nhiều người vất vả làm việc và có thu nhập tốt.
"Nghiên cứu của tôi đã cho thấy những câu chuyện về người di cư không phải chỉ có bóc lột, không phải chỉ có buôn người", bà Tamsin Barber, giảng viên tại Đại học Oxford Brookes, nói với New York Times. "Người ta thường đến đây, chấp nhận rủi ro cao khi làm việc bất hợp pháp và có thể kiếm được số tiền lớn trong ngành cần sa".
Đó là lý do nhiều người vẫn sẵn sàng đánh đổi, không chỉ tiền bạc mà còn là cả tính mạng. Nếu chi nhiều tiền cho các "đường dây", họ có thể đi theo lộ trình "V.I.P", bao gồm việc qua đêm ở khách sạn và ngồi trong cabin xe tải cùng tài xế.
Song nếu không có nhiều tiền, họ phải chọn con đường khác: bị nhét vào trong những container hay thùng chở hàng của xe, chật kín người nhưng không có lỗ thông gió và không có oxy.
Đó là những cái chết đã được báo trước.
Và đó cũng là khởi đầu cho nỗi đau của những người ở lại.
Trong những dòng tin nhắn cuối cùng, cô gái 26 tuổi đã cố viết: "Thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, Việt Nam". Đây có thể là một kiến thức được chia sẻ trong những người "đi lậu" để giúp họ được đưa về nhà trong trường hợp bất trắc.
Đây cũng chính là điều cần được quan tâm nhất lúc này, để họ, những đồng bào Việt Nam, được an nghỉ ở quê hương xứ sở.
"Thay mặt Vương quốc Anh, tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình và người thân của những người đã khuất. Bước tiếp theo cần làm là đảm bảo các nạn nhân được trở về nhà và nơi an nghỉ cuối cùng trong thời gian sớm nhất", Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward nói trong một thông cáo hôm 7/11.