Chỉ là hiện tượng mạng xã hội
Gõ từ khóa "đúng nhận, sai cãi" trên công cụ tìm kiếm của google, kết quả trong 0,27 giây đã cho hơn 40 triệu kết quả. Khi phóng viên tìm về địa chỉ của cô đồng Trương Hương, khác với sự nổi tiếng trên mạng xã hội, ngôi nhà cấp 4 khá xập xệ.
Thời điểm chúng tôi có mặt (chiều 9/2/2023), ngôi nhà cửa đóng then cài. Mấy quán bán trầu, cau, hoa quả gần nhà cô đồng cũng chẳng có khách ghé mua. Có nhóm người từ Phú Thọ tìm đến không gặp được cô đồng cũng ngậm ngùi ra về. Một người dân đầu ngõ cho biết, cô Hương làm nghề hầu đồng và xem bói được khoảng 2 năm nhưng mới nổi tiếng 2 tuần trở lại đây thông qua những đoạn video clip được chia sẻ trên mạng xã hội.
Clip mà người hàng xóm của cô đồng Trương Hương đề cập chính là clip bổ cau xem bói với câu cửa miệng "đúng nhận, sai cãi" tạo nên cơn sốt trên mạng xã hội suốt gần đây. Đoạn video được chia sẻ trên nền tảng mạng xã hội Tiktok thể hiện, cô đồng Trương Hương có thể đọc tên của những người xung quanh đến xem khiến nhiều người nửa tin nửa ngờ.
Điểm đáng chú ý của những đoạn video được cô đồng Trương Hương đăng tải là mỗi lần bổ cau, cô có thể nói vanh vách một việc nào đó và kết thúc bằng câu nói "đúng nhận, sai cãi". Sau khi được chia sẻ, thông tin về cô đồng Trương Hương và cách xem bói của người này lập tức nhận được sự chú ý của nhiều cư dân mạng. Cụm từ "đúng nhận, sai cãi" nhanh chóng trở thành câu gây sốt trên mạng xã hội. Rất nhiều clip được sản xuất theo cách tương tự xuất hiện trên không gian mạng.
"Mấy hôm nay chính quyền địa phương vào cuộc, cô Hương không xem bói nữa. Trước đó, có nhiều người từ nơi khác tìm đến đây để nhờ xem bói. Có người ở tận miền Nam cũng tìm về. Chỉ người lạ đến xem bói, còn tại địa phương hầu như không ai xem. Chả biết cô Hương là hiện tượng mạng xã hội thế nào chứ người dân chúng tôi ở đây chỉ biết, cô ấy vốn là người bán giò chả và thịt lợn", người hàng xóm chia sẻ.
Câu chuyện của chúng tôi với người dân bị ngắt quãng khi từ phía bên kia đường, một cô gái ăn mặc khá sang trọng bước xuống từ ô tô và nhanh chóng tiến đến tự giới thiệu với thái độ khá cởi mở: "Tôi là Hương đây, các anh là nhà báo đúng không?".
Khi PV ngỏ ý muốn được trao đổi, Hương liền từ chối: "Nếu các anh muốn trò chuyện cần có giấy mời đầy đủ. Lúc đó, tôi sẽ bố trí thời gian và hoan hỉ tiếp chuyện. Còn hôm nay, tôi không tiếp ai cả. Tôi cũng nói luôn là tôi chẳng làm gì vi phạm pháp luật", cô Hương nhanh chóng kết thúc cuộc nói chuyện bằng một cái bắt tay rồi vội bước vào nhà.
Bất ngờ về thân thế cô đồng
Ông Vũ Văn Dung, Chủ tịch UBND phường Hiến Thành, chia sẻ, cô đồng bổ cau gây xôn xao trên mạng xã hội thời gian qua có tên thật là Trương Thị Hương (SN 1986). Cô Hương hiện sinh sống trên địa bàn phường. "Sau khi thông tin về cô Hương hành nghề bói toán, mê tín dị đoan, chính quyền địa phương đã mời lên làm việc và yêu cầu dừng các hoạt động có liên quan. Cô Hương cũng chấp hành nghiêm. Chính quyền phường cũng giao tổ dân phố thực hiện theo dõi và báo cáo nếu thấy cô Hương tiếp tục có hành vi bói toán để kịp thời kiểm tra, xử lý", ông Dung cho biết.
Thông tin thêm về cô đồng Trương Hương, ông Vũ Văn Dung cho biết, Hương là con gái lớn trong gia đình có 3 chị em. Bố mẹ Hương trước đây sinh sống tại địa phương và làm giò chả. Vài năm trở lại đây, bố mẹ Hương cùng các em chuyển vào tỉnh Đắk Lắk sinh sống nên căn nhà không có ai ở. Hương trước lấy chồng ở Thái Bình, sau đó ly hôn và giờ lấy chồng thứ 2 ở Hưng Yên, thỉnh thoảng trở về trông coi căn nhà của bố mẹ. Hiện cô Hương vẫn có hộ khẩu và chịu sự quản lý của chính quyền phường Hiến Thành.
Chủ tịch UBND phường Hiến Thành cho biết, phường đã tiến hành kiểm tra tại nơi Hương sinh sống nhưng không phát hiện hành vi đặt lễ, cúng bái, bói toán mê tín dị đoan. Ông Dung cũng bất ngờ khi Hương bỗng dưng nổi tiếng.
"Từ trước đến nay cô ấy vẫn thường có câu cửa miệng "đúng nhận, sai cãi". Bây giờ câu nói đó đưa lên mạng xã hội trở thành "hot". Nói là nổi tiếng nhưng chỉ có ít người từ nơi xa đến xem bói. Thực tế, trong nhà cô ấy đông người là toàn đệ tử, có đến 7-8 người", ông Dung nói.
Trong khi đó, Tổ trưởng tổ dân phố nơi cô đồng Trương Hương sinh sống cho biết thêm, cô Hương sau khi lấy chồng hay đi hầu đồng. Dù có hộ khẩu tại phường Hiến Thành nhưng ít khi về. Chỉ dịp Tết vừa rồi đến nay, Hương mới thường xuyên ở nhà. "Tôi đã 2 lần tới nhà nhắc nhở cô Hương về việc mở nhạc, hoạt động quá giờ quy định hay để xe của khách ảnh hưởng đến giao thông. Tại những lần làm việc này, cô Hương đều vui vẻ tiếp thu và hứa không tái phạm".
Hiểu thế nào về tự do tín ngưỡng và hành vi mê tín dị đoan?
Nhìn nhận dưới góc độ pháp luật, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, nêu quan điểm: Pháp luật Việt Nam ghi nhận quyền tự do, tín ngưỡng, tôn giáo. Khoản 1, Điều 24 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: "Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật".
Tuy nhiên, pháp luật cũng nghiêm cấm hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi. Nghiêm cấm hành vi tuyên truyền những điều nhảm nhí, mê tín dị đoan, không phù hợp với đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục. Dưới góc độ pháp lý, hành vi bói toán, xem tướng số hoặc các hoạt động mê tín dị đoan khác đều có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi và hậu quả xảy ra, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự…
Đối với người có hành vi dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà người đó còn vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hành nghề mê tín, dị đoan theo quy định tại Điều 320 Bộ luật Hình sự.
Mức phạt của tội danh này là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Bộ luật Hình sự quy định khung hình phạt cao nhất có thể lên đến 10 năm tù đối với trường hợp làm chết người; Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Sau khi tài khoản "Trương Hương" trên mạng xã hội tiktok đăng tải video các buổi xem bói bằng hình thức xem bằng lá trầu, bổ quả cau, Công an thị xã Kinh Môn đã vào cuộc và xác định hành vi của cô đồng Trương Hương đã vi phạm vào Điểm b, Khoản 1, Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/1/2022 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng và giao dịch điện tử.
Trên cơ sở đó, ngày 9/2/2023, Công an thị xã Kinh Môn đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 18/QĐ-XLHC về hành vi "cung cấp, chia sẻ thông tin cổ suý các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi truỵ, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc" theo Điểm b, Khoản 1, Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ, sửa đổi bằng Nghị định 14/2022, ngày 27/1/2022 của Chính phủ, bằng hình thức phạt tiền, với mức phạt tiền là 7,5 triệu đồng. Cơ quan chức năng cũng đã yêu cầu cô Trương Thị Hương gỡ bỏ toàn bộ video nói trên.