Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 200.000 người bị đột quỵ (tai biến mạch máu não), hơn 50% trong số đó tử vong và 90% số người sống sót sau đột quỵ phải sống chung với các di chứng về thần kinh và vận động.
Đột quỵ não là gì?
Theo tổ chức y tế thế giới (OMS) đột quỵ não là một hội chứng lâm sàng được đặc trưng bởi sự khởi phát đột ngột của các triệu chứng biểu hiện tổn thương của não (thường là khu trú), tồn tại trên 24 giờ hoặc bệnh nhân tử vong trước 24 giờ.
Những triệu chứng thần kinh khu trú phù hợp với vùng não do động mạch bị tổn thương phân bố, loại trừ nguyên nhân chấn thương.
Đột quỵ não phân làm hai loại: Chảy máu não và nhồi máu não.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ não
Đột quỵ có thể được chia thành hai nhóm: Nhóm các yếu tố không thể tác động thay đổi được và nhóm các yếu tố có thể tác động thay đổi được.
Nhóm các yếu tố không thể tác động thay đổi được gồm nhóm tuổi cao, giới tính nam, chủng tộc, yếu tố gia đình hoặc di truyền.
Các đặc điểm của các yếu tố nguy cơ nhóm này như sau:
Giới: nam mắc bệnh nhiều hơn nữ trong mọi nhóm tuổi (tỷ lệ Nam/Nữ là 2,2/1).
Chủng tộc: người da đen có tỷ lệ mắc đột quỵ cao nhất sau đó đến người da vàng và cuối cùng là người da trắng.
Khu vực địa lý: Cư dân Châu Á mắc bệnh nhiều hơn Đông Âu, tỷ lệ mắc bệnh thấp hơn cả là ở các cư dân Tây Âu và Bắc Mỹ. Dân thành phố mắc bệnh nhiều hơn nông thôn.
Lứa tuổi: Người già mắc bệnh nhiều nhất sau đó đến tuổi trung niên và giảm dần ở lứa tuổi thanh thiếu niên, cuối cùng tỷ lệ mắc bệnh ở trể em là thấp nhất.
Nhóm các yếu tố có thể tác động thay đổi được gồm: Tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng cholesterol máu, thuốc lá, migraine, thuốc tránh thai, béo phì, nghiện rượu, lạm dụng thuốc, ít vận động...
Các nguyên nhân hàng đầu của đột quỵ là tuổi cao, xơ vữa động mạch não, tăng huyết áp, sau đó là nguyên nhân từ tim (viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, hẹp van hai lá, rối loạn nhịp tim), các bệnh gây rối loạn đông máu và một số bệnh nội ngoại khoa khác.
Dấu hiệu nhận biết đột quỵ
Người bị đột quỵ sẽ có các dấu hiệu nhận biết như sau:
- Đột ngột tê, yếu, mặt, tay hoặc chân, nhất là một bên người.
- Đột ngột lú lẫn, nói khó, khó hiểu lời.
- Đột ngột rối loạn nhìn một hoặc 2 mắt.
- Đột ngột khó đi, chóng mặt, mất thăng bằng và mất phối hợp.
- Đột ngột nhức đầu dữ dội.
Xử trí khi gặp đột quỵ não
Cứ một phút trôi qua sẽ có 2 triệu tế bào não chết đi, do đó cần điều trị cho bệnh nhân càng sớm càng tốt.
Khi gặp đột quỵ não, cần xử trí theo các bước:
- Đỡ bệnh nhân để không bị ngã và đặt nằm xuống chỗ thoáng khí.
- Nếu bệnh nhân nôn hoặc lơ mơ thì phải đặt nghiêng đầu sang một bên, lau sạch chất nôn hoặc đờm dãi, thức ăn trong miệng để thở tốt, tránh hít sặc vào phổi.
- Nếu bệnh nhân hôn mê: Cần kiểm tra xem bệnh nhân thở bình thường, thở nhanh, thở chậm hay ngừng thở. Nếu ngừng thở thì cần hô hấp nhân tạo ngay để đảm bảo đủ oxi cho tim và não.
Sau đó đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất (tốt nhất trong vòng 3 tiếng đầu).
Bác sĩ Mai Ánh Điệp
Bệnh viện Đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội