Có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh bạch cầu ở trẻ em như: Rối loạn di truyền; Vấn đề hệ thống miễn dịch do di truyền; Có anh chị em bị bệnh bạch cầu, đặc biệt là một đôi song sinh cùng trứng; Có tiếp xúc với nồng độ bức xạ cao, hóa trị liệu hoặc các hóa chất; Có lịch sử hệ miễn dịch bị ức chế như cấy ghép cơ quan...
Bệnh bạch cầu là loại ung thư phổ biến nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên. Đa số các bệnh bạch cầu ở trẻ em là bệnh bạch cầu dòng lympho cấp tính (ALL). Hầu hết các trường hợp còn lại là bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính (AML).
Do các tế bào bạch cầu chống nhiễm trùng bị khiếm khuyết, trẻ em bị bệnh bạch cầu có thể bị nhiễm virut hoặc vi khuẩn nhiều hơn bình thường. Trẻ cũng có thể bị thiếu máu do bệnh bạch cầu ảnh hưởng đến việc sản xuất tế bào hồng cầu vận chuyển ôxy của tủy xương, biểu hiện ở vẻ nhợt nhạt, mệt mỏi bất thường và khó thở trong khi chơi.
Trẻ có thể bị bầm tím, chảy máu rất dễ dàng, chảy máu cam thường xuyên hoặc lâu cầm máu bất thường dù với một vết cắt nhỏ vì bệnh bạch cầu phá hủy khả năng sản xuất tiểu cầu (có chức năng đông máu) của tủy xương.
Các triệu chứng khác của bệnh bạch cầu có thể bao gồm: Đau ở xương hoặc khớp, đôi khi gây ra dáng đi khập khiễng; Hạch bạch huyết ở cổ, háng, hay ở nơi khác sưng to; Chán ăn; Sốt không kèm các triệu chứng khác; Đau bụng... Xét nghiệm máu chỉ là một trong các xét nghiệm ban đầu; để chẩn đoán và phân loại bệnh bạch cầu còn cần làm thêm các xét nghiệm khác.