Việc chăm sóc trẻ sơ sinh là điều hết sức quan trọng nhưng mẹ cũng cần chăm sóc bản thân thật chu đáo. Bởi trẻ sơ sinh chưa thể tự ăn và được nuôi dưỡng từ sữa mẹ. Vì vậy, nguồn dinh dưỡng của mẹ có ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển và sức khỏe của trẻ.
Nếu chế độ ăn của mẹ giàu chất dinh dưỡng, con sẽ khỏe mạnh. Còn ngược lại, trẻ rất dễ bị suy dinh dưỡng và mắc một số bệnh trong đó có táo bón.
Khi trẻ sơ sinh bị táo bón, trẻ sẽ chậm đi đại tiện, 3-5 ngày mới đi một lần. Tuy nhiên, nếu trẻ 3 ngày/lần nhưng phân mềm xốp, đi dễ dàng thì chưa gọi là táo bón. Còn nếu trẻ 1-2 ngày/ lần nhưng phân keo dính, trẻ phải rặn khó khăn thì vẫn là táo bón.
Táo bón sẽ khiến trẻ cảm thấy khó chịu, ăn ít hơn, tăng cân chậm, ngủ không ngon giấc,… Vì vậy, các mẹ không chỉ phải tìm ra nguyên nhân, đưa ra những giải pháp đúng mà còn phải trăn trở xem trẻ sơ sinh bị táo bón mẹ nên ăn gì?
Nguyên nhân dẫn đến táo bón ở trẻ sơ sinh
1. Uống sữa công thức
Trẻ uống sữa công thức thường dễ bị táo bón hơn so với những trẻ uống sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Vì sữa công thức khiến trẻ khó tiêu và dễ gây nóng.
Ngoài ra, khi pha sữa công thức, mẹ có thể pha chưa đúng, quá đặc hoặc quá loãng hay pha sữa với nước trái cây, nước cơm. Điều sẽ làm tăng nguy cơ táo bón ở trẻ hơn. Đặc biệt mỗi trẻ phù hợp với một loại sữa bột nhất định, vì vậy có thể sữa bé đang dùng chưa hợp nên bị bón hoặc sữa công thức bé uống không có chất xơ Fructooligosaccharid (FOS) cũng dễ bị táo bón hơn.
2. Do chế độ ăn uống của mẹ
Nếu mẹ ăn nhiều đồ ăn cay nóng như ớt, gừng, hạt tiêu,… trong thời gian cho con bú thì sữa mẹ cũng sẽ bị ảnh hưởng, khiến trẻ sơ sinh bị táo bón. Ngoài ra, nếu mẹ thường xuyên bổ sung các chế phẩm chứa sắt và canxi trong giai đoạn này thì trẻ bú sữa mẹ cũng bị nóng và táo bón.
3. Trẻ bị thiếu nước
Khi trẻ sơ sinh bị táo bón, trẻ sẽ cảm thấy khó chịu, hay quấy khóc, ăn ít hơn.
Khi trẻ bị thiếu nước, cơ thể sẽ lấy nước từ bất kỳ nguồn nào kể cả lượng nước còn thừa ở chất thải của ruột già, từ đó phân của bé bị khô cứng, dẫn tới táo bón. Tình trạng này thường gặp nhiều ở những trẻ hiếu động, thích lật mình.
4. Tình trạng bệnh lý tiềm ẩn
Táo bón ở trẻ sơ sinh cũng có thể là dấu hiệu của một bệnh lý tiềm ẩn nào đó. Nếu trẻ liên tục gặp tình trạng táo bón nặng như phân khô cứng, đi ngoài chảy máu, khó khăn khi rặn thì bố mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
Như vậy, một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị táo bón là do chế độ ăn của mẹ. Tuy nhiên, trẻ không thể không bú sữa mẹ, vậy khi trẻ sơ sinh bị táo bón mẹ nên ăn gì để con nhanh chóng thoát khỏi tình trạng này?
Các thực phẩm mẹ nên ăn khi trẻ bị táo bón
1. Các loại rau củ giàu chất xơ
Chất xơ đóng vai trò quan trọng đối với cơ thể. Cơ thể được cung cấp đầy đủ chất xơ sẽ giúp việc tiêu hóa dễ dàng hơn, đường ruột hoạt động tốt hơn, từ đó giúp ngăn ngừa tình trạng táo bón ở cả mẹ lẫn con. Những thực phẩm nhiều chất xơ là khoai lang, rau khoai, các loại đậu, đỗ, đậu hà lan, súp lơ xanh, quả bơ, chuối, quả lê, rau chân vịt, cà rốt...
2. Các loại rau củ giàu vitamin
Một số rau củ giàu vitamin mà mẹ nên ăn khi trẻ bị táo bón là bắp cải, cải thảo, súp lơ xanh,...
Vitamin không chỉ có trong thịt, cá… mà còn có nhiều trong rau củ, thậm chí nguồn vitamin trong thực phẩm này còn nhiều hơn cả thịt, cá. Do đó, ngoài việc ăn rau củ trong các bữa ăn chính thì mẹ cũng nên ăn thêm hoa quả trong các bữa ăn phụ.
Các loại vitamin trong rau củ không chỉ hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, giúp ngăn ngừa tình trạng táo bón mà còn có tác dụng thanh nhiệt. Vì vậy, khi trẻ bị táo bón, mẹ nên ăn nhiều những loại thực phẩm giàu vitamin như rau dền, súp lơ xanh, mồng tơi, cải thảo, bắp cải,… để giảm tình trạng táo bón ở trẻ.
3. Sữa chua có hàm lượng probiotics cao
Mẹ ăn 2-3 hộp sữa chua mỗi ngày sẽ giúp trẻ giảm tình trạng táo bón.
Probiotics có vai trò quan trọng trong việc cân bằng hệ thống tiêu hóa và bổ sung lợi khuẩn cho đường ruột. Do đó, mẹ nên ăn 2-3 hộp sữa chua mỗi ngày để giúp trẻ điều hòa nhu động ruột, cải thiện tình trạng táo bón, ngăn ngừa các bệnh về đường ruột và dạ dày nhằm thúc đẩy cảm giác thèm ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng hơn. Ngoài ra, sữa chua cũng có thể giúp tăng cường hệ thống miễn dịch cho cả mẹ và trẻ.
4. Uống đủ nước
Mẹ uống đủ nước mỗi ngày sẽ giúp trẻ có đầy đủ nước, ngăn ngừa tình trạng táo bón. Bên cạnh đó, việc uống đủ nước cũng khiến cho da mẹ đẹp hơn, thanh lọc cơ thể.
5. Không ăn đồ ăn cay nóng
Khi mẹ ăn các món ăn cay nóng có cho thêm ớt, hạt tiêu, bột cà ri,… sẽ khiến trẻ bị nóng và táo bón. Vì vậy, dù có thèm tới đâu thì khi đang cho con bú mẹ cũng không nên ăn các món này.