Nội dung bài viết:
Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị ho thở khò khè
Khò khè là tiếng thở bất thường của trẻ bị viêm đường hô hấp dưới. Các phế quản bị viêm nhiễm, có dịch nhầy sẽ dễ bị phù nề, co thắt, tắc nghẽn, cản trở đường lưu thông của không khí khiến việc hô hấp trở nên khó khăn, tạo ra âm thanh khò khè.
Tiếng khò khè có thể nghe rõ nhất khi trẻ thở ra, nghe âm trầm. Cha mẹ có thể áp sát tai và gần miệng trẻ, nghe kỹ tiếng thở của trẻ. Tốt nhất nên kiểm tra tiếng thở khi trẻ nằm im. Nhiều trường hợp trẻ thở khò khè rất khó phát hiện, phải kiểm tra bằng ống nghe của bác sĩ.
Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi chủ yếu thở bằng mũi, lỗ mũi của trẻ lại có kích thước nhỏ nên rất dễ dẫn đến thở khụt khịt. Khi phân vân không biết trẻ thở khò khè bất thường hay trẻ sơ sinh bị ho sổ mũi thở khò khè, cha mẹ có thể nhỏ 2 - 3 giọt nước muối nhỏ mũi để mũi trẻ thông thoáng hơn rồi nghe kỹ lại. Ngoài ra, trẻ sơ sinh bị ho thở khò khè còn có thể đi kèm nhiều dấu hiệu khác:
- Thở nhanh, sốt cao, bé thở khò khè và ho là những triệu chứng có thể xuất hiện do viêm nhiễm đường hô hấp, trường hợp này rất nghiêm trọng. Nếu con đang trong trạng thái thở gấp (nhịp thở trên 60 lần/phút) thì cần đưa bé đi điều trị ngay. Trẻ sơ sinh có thân nhiệt quá cao hoặc bị kích động thì hô hấp nhanh trong 1 hoặc 2 phút, sau đó sẽ từ từ chậm dần lại khi bé được hạ nhiệt đúng cách.
- Lỗ mũi đỏ, nở ra: Trẻ sơ sinh sẽ có hiện tượng này nếu không được cung cấp đủ khí, khi đó 2 cánh mũi bé có thể đỏ lên và nở ra theo từng nhịp thở. Lồng ngực co thắt và cho thấy rõ xương ngực. Khi con có triệu chứng này, bố mẹ nên đưa trẻ đến các trung tâm y tế để được theo dõi.
- Da có màu tái: Mặc dù làn da mỏng manh của trẻ trông có thể xanh xao một chút ở quanh bàn tay và bàn chân, nhưng nếu hiện tượng này xuất hiện tại khu vực quanh miệng, mũi hoặc thân thì có thể là biểu hiện của việc trẻ không nhận được đủ lượng oxy cần thiết.
- Trẻ khó chịu: Đây có thể là dấu hiệu cho việc bé đang gặp phải những vấn đề về đường thở.
- Tiếng rít: Các tiếng rít trong phổi nghe được khi bác sĩ kiểm tra bằng ống nghe có thể là dấu hiệu của bệnh viêm nhiễm tại phổi.
- Sốt, bơ phờ hoặc hôn mê kết hợp với những triệu chứng trên có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng.
Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị ho thở khò khè
Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị ho thở khò khè chủ yếu là các bệnh như: hen suyễn, hen phế quản, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi. Với trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi, nguyên nhân chủ yếu là do viêm tiểu phế quản, với trẻ trên 18 tháng tuổi, nguyên nhân chủ yếu là do hen suyễn.
Đặc biệt, trẻ sơ sinh có kèm theo ho có đờm, ho khò khè có thể là dấu hiệu sớm của bệnh viêm phổi. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh viêm phổi có thể tiến triển rất nhanh, tác động xấu đến hệ hô hấp của trẻ, thậm chí là đe dọa tính mạng.
Nếu trẻ sơ sinh bị ho và thở khò khè kéo dài, tái đi tái lại nhiều lần thì có thể là do trẻ có dị vật ở đường thở, bị bệnh lao, phù phổi, phế quản bị chèn ép hay mắc một số dị tật bẩm sinh ở phế quản...
Trẻ sơ sinh thở khò khè có sao không?
Trẻ sơ sinh thường có sức đề kháng yếu nên rất dễ mắc bệnh, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp. Khi nhận thấy trẻ sơ sinh thở khò khè hoặc thở phát ra những âm thanh lạ khác thì bạn nên đưa trẻ đi khám ngay để sớm phát hiện ra bệnh.
Trẻ sơ sinh thở khò khè thường là dấu hiệu của tình trạng tắc nghẽn đường hô hấp dưới. Ngoài ra, những trường hợp bé thở khò khè dai dẳng có thể do dị vật đường thở, dị tật bẩm sinh ở phế quản hay phế quản bị chèn ép. Vì vậy, cha mẹ đừng nên chủ quan khi trẻ sơ sinh bị ho thở khò khè, đây có thể là dấu hiệu sớm của một bệnh lý viêm nhiễm cấp tính.
Trẻ sơ sinh bị ho khò khè phải làm sao?
Đối với trẻ sơ sinh, khi bị khò khè thì cách tốt nhất là mẹ nên đưa bé đến bệnh viện. Tuy nhiên, tùy vào nguyên nhân, mức độ nặng nhẹ bé đang mắc phải, mẹ có thể áp dụng những cách chữa khò khè cho trẻ sơ sinh đơn giản tại nhà, giúp ngăn ngừa bệnh ngày càng tiến triển nặng hơn.
Dưới đây sẽ là một số cách chữa khò khè mũi ở trẻ sơ sinh hiệu quả các mẹ nên áp dụng thử khi cần thiết:
1. Vệ sinh tai – mũi - họng
Để tránh trường hợp bé thở khò khè do dị ứng bụi bẩn, mẹ nên thường xuyên vệ sinh vùng tai mũi họng cho bé sạch sẽ. Thêm vào đó, việc này cũng sẽ giúp đường thở của bé thông thoáng, không để các chất đờm đặc đọng ứ trong miệng. Nếu trẻ có nước mũi, nước dãi thì dùng giấy mềm lau sạch rồi vứt bỏ, không tái sử dụng.
2. Hạ sốt cho trẻ
Trẻ sơ sinh bị ho khò khè do viêm phổi thường đi kèm với sốt cao. Khi trẻ bị sốt nên tích cực chườm ấm (nhiệt độ khoảng 34 – 35 độ) cho trẻ, liên tục kiểm tra thân nhiệt của trẻ. Nếu trẻ sốt cao trên 38.5 độ thì cho trẻ sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.
3. Dùng nước muối sinh lý
Đây là việc làm khá hiệu quả trong số những cách chữa khò khè. Mẹ có thể dùng nước muối sinh lý để làm sạch mũi bé. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, mẹ chỉ nên nhỏ khoảng 1-2 giọt là đủ.
4. Vỗ lưng giúp trẻ long đờm
Khi trẻ sơ sinh ho có đờm, ho khò khè cha mẹ có thể áp dụng phương pháp vỗ lưng cho trẻ, giúp lưu thông tuần hoàn máu ở phổi, long đờm trong phế quản. Cách vỗ như sau: Khum bàn tay lại, năm ngón tay sát vào nhau, ngón cái ép chặt vào ngón trỏ. Vỗ vào lưng trẻ từ trái sang phải, mỗi bên khoảng từ 3 - 5 phút. Vỗ vào vị trí phổi của trẻ, không vỗ vào vị trí dạ dày, xương sống. Không nên thực hiện vỗ lưng khi trẻ vừa ăn no.
5. Sử dụng máy làm ẩm không khí
Vào những tháng mùa đông, thời tiết khô hanh dễ gây khô mũi, đóng gỉ và làm nghẹt mũi bé. Việc sử dụng máy làm ẩm sẽ giúp cho không khí bớt khô, phòng ngừa và giảm nghẹt mũi ở bé.
6. Bổ sung nước
Khi bé bị thở khò khè điều quan trọng mẹ nên chú ý lúc này là bổ sung đủ nước cho cơ thể bé. Việc giữ bé đủ nước sẽ giúp làm giảm chất nhầy và làm thông thoáng mũi. Bên cạnh nước lọc, nước trái cây, mẹ cũng nên cho bé bú nhiều hơn bình thường.
Ngoài ra, mẹ cũng có thể chữa khò khè cho trẻ sơ sinh trên 6 tháng tuổi bằng những loại nguyên liệu tự nhiên như chanh, gừng, tỏi hoặc mật ong.
- Gừng: Luộc một ít gừng trong 5 phút, sau đó để nguội rồi cho bé uống phần nước dùng để ngâm gừng.
- Mật ong: Mẹ có thể hòa tan mật ong trong nước ấm rồi cho bé uống 3 lần mỗi ngày cũng sẽ rất hiệu quả. Lưu ý mẹ chỉ dùng mật ong cho bé trên 1 tuổi.
- Chanh: Mẹ có thể vắt nước cốt chanh pha loãng rồi cho bé uống mỗi lần một ít, nhiều lần trong ngày để bổ sung hàm lượng vitamin C.
- Tỏi: Mẹ có thể đun sôi ½ tép tỏi trong ¼ cốc sữa, để nguội và cho bé uống để bé thở nhẹ nhàng hơn.
Trường hợp trẻ có những biểu hiện nguy hiểm như: thở rút lõm ngực, ngủ li bì, người tím tái, rối loạn tri thức... cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức.
Trẻ sơ sinh còn non nớt, sức đề kháng kém nên rất dễ bị các vấn đề về hô hấp, đặc biệt là tình trạng trẻ sơ sinh bị ho thở khò khè. Các bậc phụ huynh nên chú ý chăm sóc trẻ, theo dõi các biểu hiện của con để đưa bé đi khám ngay khi cần thiết.