Một số trẻ chọn cách bịt lỗ tai để nước không lọt vào - Ảnh: Medical News Today
Tại hội nghị thường niên lần thứ 72 của Hiệp hội Vật lý Hoa Kỳ diễn ra tại Trung tâm hội nghị bang Washington từ ngày 23 đến 26-11, các nhà nghiên cứu tại Đại học Cornell và Virginia Tech khẳng định: Hành động lắc mạnh đầu để loại bỏ nước khỏi tai có thể khiến trẻ tổn thương não vĩnh viễn.
Nước dễ bị kẹt trong lỗ tai sau khi bơi, tắm gội, hoặc dầm mưa. Tình trạng này để lâu có thể gây nhiễm trùng tai, dẫn sốt cao, thậm chí là mất thính giác.
Có nhiều cách để loại bỏ nước khỏi tai như thấm bằng khăn mềm, nghiêng đầu cho nước trong tai chảy ra. Tuy nhiên, một số người chọn cách rất nguy hiểm là lắc mạnh đầu sang hai bên.
Hành động này đối với người lớn sẽ không ảnh hưởng do ống tai to, nước dễ văng ra ngoài.
Nhưng đối với trẻ nhỏ thì nguy hiểm do ống tai nhỏ, cần một lực gia tốc mạnh và nhanh mới có thể khiến loại bỏ hết nước bên trong. Điều này có thể gây tổn thương não.
Kết luận này dựa trên thí nghiệm ở mô hình ống tai người. Tuy chưa là bằng chứng lâm sàng về tổn thương não phát sinh từ hoạt động này nhưng nghiên cứu vẫn đóng vai trò như một lời nhắc nhở về những hành động không nên làm với bản thân và trẻ em nếu có nước trong tai.
Theo các nhà nghiên cứu, cách tốt nhất để loại bỏ nước khỏi tai là nằm nghiêng, hoặc đơn giản là cầm dái tai và lắc lư, sau đó nghiêng đầu cho nước chảy ra.