Theo Giáo sư tâm lý học nổi tiếng Li Meijin - Phó Giám đốc Ủy ban Chuyên môn Tâm lý Pháp lý của Hiệp hội Tâm lý Trung Quốc, một số trẻ tưởng chừng "xấu tính" nhưng thực chất lại là biểu hiện của chỉ số IQ cao, bố mẹ không nên vội vàng quát mắng, bởi có thể sẽ hủy hoại nhiệt huyết bên trong và ảnh hưởng đến sự phát triển trí não.
Trong khi đó, Meyer, giáo sư thần kinh học tại Đại học Harvard cũng cho biết, những trẻ có chỉ số IQ cao thường bộc lộ một số đặc điểm chung trước 6 tuổi. Nếu bố mẹ hướng dẫn tốt, chỉ số IQ của trẻ có thể tăng lên rất nhiều. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh không nhận ra điều này, nên vô tình cản trở sự phát triển trí tuệ của trẻ.
Trẻ nói quá nhiều
Trẻ nói nhiều thường có tính cách hướng ngoại, lạc quan và kỹ năng diễn đạt ngôn ngữ tốt. Trẻ tự tin trong việc giao tiếp và có khả năng kết nối với bạn bè một cách dễ dàng. Trẻ thường là những người khởi xướng cuộc trò chuyện, tạo ra không khí vui vẻ và thân thiện trong lớp học.
Tuy nhiên, sự hoạt bát này cũng có thể khiến trẻ gặp khó khăn trong việc tự kiểm soát. Chỉ là trẻ tạm thời không tự chủ tốt, không kiềm chế được muốn nói chuyện nên cứ huyên thuyên. Điều này có thể dẫn đến việc trẻ không chú ý vào bài giảng, làm mất tập trung. Điều này khiến nhiều phụ huynh phiền lòng.
Mặc dù những đứa trẻ nói nhiều đã thể hiện kỹ năng ngôn ngữ vượt trội nhưng trẻ cũng phải được dạy cách đánh giá tình huống và biết khi nào nên nói và khi nào không nên nói để không làm người khác nhàm chán, khó chịu.
Tất nhiên, cha mẹ cần tôn trọng mong muốn của trẻ và để trẻ nói chuyện vui vẻ. Hãy tạo cho trẻ một môi trường ngôn ngữ tốt để trẻ có thể nói chuyện lịch sự hơn. Cuối cùng, phụ huynh có thể mở rộng kiến thức và nâng cao khả năng logic của trẻ bằng cách cho trẻ đọc, nói chuyện với người khác, tranh luận,... để lời nói của trẻ hấp dẫn và logic hơn.
Bướng bỉnh và không muốn nghe lời khuyên
Mỗi đứa trẻ đều có cá tính riêng. Theo các loại đặc điểm tâm lý tính cách, những đứa trẻ bướng bỉnh, không vâng lời phần lớn là những đứa trẻ hay nóng nảy. Những trẻ này rất độc lập, có mục tiêu rõ ràng. Cha mẹ không thể trực tiếp ép trẻ phát triển theo hướng mà mình mong muốn.
Cha mẹ trước hết phải đặt mình vào vị trí đúng đắn và không thể ra lệnh cho con từ vị trí cấp trên. Điều này sẽ khiến con trở nên nổi loạn hơn. Cha mẹ có thể giao tiếp với con cái như những người bạn và tôn trọng mong muốn của con.
Hay phá dỡ đồ chơi, ném đồ đạc
Khi trẻ đến một giai đoạn nhất định, đột nhiên trở nên rất thích phá dỡ đồ chơi và ném đồ vật. Nếu bố mẹ không cho phép, trẻ sẽ càng ném mạnh hơn. Nhiều khi bố mẹ nhìn “mớ hỗn độn khắp nơi” trong nhà, ngay cả món đồ chơi mới mua cũng hư hỏng nên không tránh khỏi tức giận.
Giáo sư Meyer cho rằng, bố mẹ nên tập làm quen với việc trẻ tháo dỡ và ném đồ, bởi đây thực chất là một bài học quan trọng trong việc khám phá, trẻ dùng điều này để nâng cao nhận thức và thỏa mãn trí tò mò.
Thông qua hành động phá dỡ và ném, trẻ biết được rằng các đồ vật có kết cấu và trọng lượng khác nhau. Khi tiếp đất, chúng sẽ phát ra những âm thanh, có hình dạng và đi về hướng khác nhau. Để hoàn thành động tác này, mắt, não, tay,… của trẻ cần phải phối hợp với nhau để rèn luyện tốt khả năng phối hợp cơ thể.
Đặc biệt trong giai đoạn từ 1 đến 3 tuổi, trẻ đang tìm hiểu thế giới bằng cách “phá hủy”. Vì vậy, cha mẹ không cần quá lo lắng khi con quậy phá mà có thể hướng dẫn con cách này.
Đầu tiên, hãy để trẻ tự dọn dẹp đống bừa bộn. Thứ hai, cha mẹ có thể tham gia vào các hoạt động của trẻ, chẳng hạn như khi trẻ tháo dỡ một vật gì đó. Trong quá trình đó, cha mẹ hãy đặt câu hỏi cho trẻ, thúc đẩy khả năng tư duy và nâng cao khả năng tư duy của trẻ.
Tất nhiên, điều quan trọng nhất là bản thân cha mẹ phải giữ thái độ tốt, không la mắng con vì “phá hoại”, nếu không sẽ kìm hãm khả năng khám phá và khiến trẻ dần mất đi sự tò mò về thế giới xung quanh.
Mải chơi, cha mẹ gọi không quan tâm
Nhiều cha mẹ tỏ ra bực bội khi thấy con mải chơi, thâm chí nhắc nhở nhưng trẻ bỏ ngoài tai. Nhưng thực tế đó là vì trẻ đang tập trung cao độ. Khi trẻ đang chơi hay làm bất cứ hoạt động như đọc sách, vẽ tranh,... cha mẹ không nên làm phiền trẻ.
Sự tập trung là nền tảng vững chắc thúc đẩy con người đạt được tương lai. Hãy để trẻ cố gắng, đừng làm gián đoạn khi trẻ đang tập trung. Nếu cha mẹ thấy con mình quá mải chơi, bạn có thể hạn chế thời gian, đồng thời đảm bảo sự tập trung để làm suy giảm sự phụ thuộc vào trò chơi.
Thích kể lại những gì người khác nói
Một số trẻ luôn có thể thốt ra những gì người khác vừa nói hoặc quảng cáo mà trẻ vừa xem. Cha mẹ có thể cảm thấy rằng con cái họ không có tính đổi mới và tại sao trẻ luôn lặp lại những gì người khác nói.
Nhưng nghĩ theo hướng khác, khả năng lặp lại những từ này của đứa trẻ chỉ cho thấy rằng trẻ có một trí nhớ đáng kinh ngạc. Và khi tiếp tục lặp lại lời nói của người khác, trí nhớ của trẻ ngày càng tốt hơn.
Cha mẹ không cần ngăn cản con thực hiện hành vi này mà có thể hướng dẫn con bày tỏ suy nghĩ và hiểu biết về những từ này sau khi kể lại. Điều này không chỉ rèn luyện trí nhớ mà còn cải thiện khả năng tư duy của trẻ.