Amidan bị nhiễm trùng được gọi là viêm amidan. Amidan là các tuyến ở phía sau cổ họng, là một phần của hệ thống miễn dịch và giúp chống lại vi trùng trong miệng.
Thông thường amidan bị nhiễm trùng do vi rút hoặc vi khuẩn (viêm amidan do vi khuẩn đôi khi được gọi là viêm họng hạt).
Tình trạng viêm amidan thường gặp ở trẻ em mọi lứa tuổi và thường xuất hiện khi trẻ bị cảm, sổ mũi và ho. Ở thanh thiếu niên, sốt lộ tuyến có thể gây viêm amidan nặng. Viêm amidan bao gồm hai loại: viêm amidan cấp tính và viêm amidan mạn tính (thường thì sẽ mất nhiều thời gian điều trị hơn).
Trẻ bị viêm amidan sốt mấy ngày?
Mỗi loại viêm amidan sẽ có các biểu hiện và triệu chứng khác nhau, trẻ có thể sốt cao, sốt nhẹ hoặc sốt rải rác trong ngày. Theo các thống kê từ bác sĩ, một người bị sốt do viêm amidan có thể sẽ bị sốt trong khoảng từ 1-4 ngày. Trong đó, có khoảng 70% bệnh nhân hết sốt trong tầm 3-4 ngày nếu được điều trị kịp thời và đúng bệnh.
Trẻ em cũng tương tự như vậy, tùy theo sức đề kháng của mỗi trẻ mà cơn sốt kéo dài ít nhất 1 ngày và nhiều nhất là 4 ngày. Mặc dù vậy, cũng có những trẻ sốt dai dẳng, kéo dài tới 7-10 ngày, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ.
Biểu hiện khi trẻ bị sốt do viêm amidan
Không nên chỉ quan tâm đến vấn đề trẻ bị viêm amidan sốt mấy ngày mà cha mẹ cần phải đặc biệt chú ý đến những biểu hiện của sốt do viêm amidan gây nên. Các triệu chứng, biểu hiện này khá giống với các bệnh lý về đường hô hấp như viêm mũi, viêm họng nên thường gây nhầm lẫn.
Biểu hiện của viêm amidan cấp tính:
- Trẻ chán ăn, mệt mỏi, bỏ bú, đau đầu, quấy khóc.
- Họng đau nhói, khô rát, khi ăn bị khó nuốt và hơi thở có mùi hôi.
- Cơn sốt đột ngột có thể lên đến 38, 39 độ C, rét run người.
- Bị giảm tần suất đi tiểu, nước tiểu có màu sẫm hơn bình thường, bị táo bón.
- Khi soi đèn vào amidan trong họng sẽ thấy bị sưng và đỏ tấy, hình thành mủ xung quanh, dần dần phủ trắng vùng amidan, hơi thở có mùi.
- Một số biểu hiện khác có thể kèm theo là chảy nước mũi, thở khó, ho, giọng nói bị nghẹt lại.
Biểu hiện của viêm amidan mạn tính:
- Trẻ không bị rét run người mà bắt đầu với cơn sốt nhẹ hoặc không bị sốt. Tuy nhiên, thỉnh thoảng có thể bị sốt hoặc sốt vào buổi chiều.
- Xuất hiện tình trạng bị ho khan, ho vào sáng sớm hoặc ho về chiều tối.
- Họng bị đau rát, khó chịu, giọng nói bị thay đổi.
- Người xanh xao, gầy ốm, da lạnh, khó nuốt do amidan bị sưng viêm.
- Hơi thở có mùi, trẻ bị khó ngủ, nghẹt mũi về đêm.
Cách hạ sốt viêm amidan cho trẻ tại nhà
Với nhiều trường hợp trẻ bị sốt dưới 38.5 độ C, cha mẹ chưa cần hạ sốt mà có thể sử dụng một số cách hạ sốt dưới đây:
- Chườm mát: Sử dụng loại khăn bông sạch, ngâm vào nước mát để lau và chườm mát nhẹ nhàng vào các vị trí như: trán, nách, bẹn...giúp hạ bớt thân nhiệt của trẻ. Mẹ lưu ý, tuyệt đối không được sử dụng nước lạnh hoặc nước đá để lau, chườm cho trẻ vì nếu thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể khiến cho trẻ bị bệnh nặng hơn.
- Sử dụng lá tía tô: Tía tô có tác dụng giúp giải cảm, thanh nhiệt, hạ thân nhiệt và khá lành tính với trẻ nhỏ. Muốn trẻ hạ sốt, mẹ có thể giã một nắm lá tía tô sạch, chắt lấy nước và cho trẻ uống. Ngoài ra, cũng có thể kết hợp nấu cháo lá tía tô để cho trẻ ăn mỗi ngày theo nhiều lần giúp nhanh chóng hạ thân nhiệt.
- Dùng ngải cứu, lá bỏng hoặc rau diếp cá: Mẹ có thể dùng một trong những loại rau này rồi rửa sạch, giã nát. Dùng vải sạch để bọc lại, đắp lên trán của trẻ trong khoảng nửa tiếng rồi mới lấy nước ấm để lau sạch.
- Mặc quần áo mỏng, bổ sung dinh dưỡng ở dạng lỏng cho trẻ như cháo, sữa…
- Đặt trẻ nằm tại nơi thoáng mát, không khí trong lành, thông thoáng.
- Dùng thuốc hạ sốt: Có thể dùng Paracetamol hoặc Ibuprofen để hạ sốt cho trẻ nếu trẻ sốt quá 3 ngày (có sự chỉ định của người có chuyên môn). Ưu tiên dạng thuốc dùng cho đường uống. Nếu như trẻ bị sốt amidan và kèm theo các triệu chứng như nôn, buồn nôn, li bì, khó đánh thức, không uống được, mới chuyển sang dùng dạng đặt hậu môn. Khi dùng thuốc hạ sốt tại nhà cho trẻ, mẹ cần lưu ý:
+ Không được tự ý cho trẻ dùng thuốc nếu chưa có hướng dẫn của người có chuyên môn.
+ Tuyệt đối không dùng thuốc hạ sốt cho trẻ dưới 3 tháng nếu không có sự chỉ định của bác sĩ.
+ Tuyệt đối không được dùng aspirin để hạ sốt cho trẻ dưới 12 tuổi vì có thể gây tác dụng phụ, gây nguy cơ tử vong cao.
+ Không dùng thuốc hạ sốt quá 3 ngày, không dùng chung Paracetamol và Ibuprofen.
Trẻ bị viêm amidan sốt mấy ngày thì nên đưa đến bác sĩ?
Sốt vốn là triệu chứng thường hay gặp của viêm amidan, mặc dù không phải là triệu chứng quá nguy hiểm nhưng cha mẹ cũng không nên chủ quan. Ngoài việc cần theo dõi xem trẻ bị viêm amidan sốt bao lâu thì cũng cần phải cảnh giác với mức độ sốt. Cha mẹ cần đi khám bác sĩ ngay nếu trẻ sốt cao hơn 39.5 độ C.
Trong một số các trường hợp hiếm hoi, phản ứng do viêm amidan cũng có thể làm cho amidan phình to...làm khó thở. Đối với sốt amidan, nếu thấy trẻ có biểu hiện cứng cổ, yếu cơ, đau sưng họng không giảm 2 - 3 ngày cần tìm đến bác sĩ. Ngoài ra, khi trẻ bị viêm amidan mấy ngày không khỏi, kèm theo một số triệu chứng sau thì cha mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ đi khám:
- Liên tục sốt cao, sử dụng thuốc và chườm ấm nhưng vẫn không thuyên giảm, có thể bị co giật.
- Trẻ bị khó thở, ho nhiều, thở gấp, thở nhanh hơn bình thường, thỉnh thoảng còn bị co rút lồng ngực.
- Trẻ bị chảy mủ tai, nôn nhiều, đi ngoài ra phân lỏng.
- Tình hình không tốt sau khoảng 2-3 ngày điều trị tại nhà.