Nội dung bài viết:
- Bé bị dính thắng lưỡi là gì?
- Cách nhận biết trẻ bị dính thắng lưỡi
- Phân loại dính thắng lưỡi
- Trẻ bị dính thắng lưỡi có sao không?
- Khi nào cần cắt thắng lưỡi cho bé?
- Các chỉ định phẫu thuật cho tật dính phanh lưỡi
- Kỹ thuật cắt thắng lưỡi tùy thuộc lứa tuổi của trẻ
- Khi nào không nên cắt phanh lưỡi?
- Theo dõi sau phẫu thuật như thế nào?
- Cách chăm sóc trẻ sau phẫu thuật dính thắng lưỡi
Bé bị dính thắng lưỡi là gì?
Thắng lưỡi (hay gọi là phanh lưỡi) là một màng niêm mạc mỏng hình tam giác dính từ sàn miệng đến mặt dưới của lưỡi. Chức năng chính xác của thắng lưỡi hiện nay chưa được biết rõ, có một số giả thiết cho rằng chức năng của phanh lưỡi là làm hạn chế sự chuyển động của lưỡi.
Dính thắng lưỡi là một dị tật bẩm sinh nhẹ do dây thắng lưỡi ngắn và làm hạn chế cử động bình thường của lưỡi. Dị tật này gặp khoảng 4 - 5% ở trẻ sơ sinh. Số trẻ trai mắc gấp 3 lần trẻ gái. Nguyên nhân trẻ bị dính thắng lưỡi chủ yếu là do bẩm sinh.
Ngay sau khi sinh, trẻ bị dính thắng lưỡi có thể được phát hiện thông qua khám lâm sàng, hỏi tiền sử bệnh có liên quan với tật dính thắng lưỡi. Tuy nhiên cũng có trường hợp trẻ được phát hiện bị dính thắng lưỡi muộn hơn sau vài tháng khi thấy trẻ bú khó, lên cân chậm hoặc khi trẻ lớn tập nói, phát âm khó khăn.
Dính thắng lưỡi có thể gặp dạng dính thắng lưỡi nhiều còn gọi là dính thắng lưỡi hoàn toàn hoặc dạng dính thắng lưỡi nhẹ còn gọi là dính thắng lưỡi một phần do thắng lưỡi ngắn.
Cách nhận biết trẻ bị dính thắng lưỡi
Các dấu hiệu trẻ bị dính thắng lưỡi có thể bao gồm:
Cử động lưỡi sang hai bên bị hạn chế hoặc đầu lưỡi không thể đụng lên phía trên nóc vòm họng vì thắng lưỡi ngắn.
Khi trẻ thè lưỡi, đầu lưỡi không nhọn mà có vẻ phẳng hay vuông.
Đầu lưỡi của trẻ có thể có hình trái tim do cử động ra phía trước và ra sau của lưỡi bị giới hạn.
Khi trẻ bú, mẹ có thể nghe thấy có tiếng kêu và trẻ thường bú rất lâu.
Các răng cửa hàm dưới có thể bị nghiêng hoặc có khe hở giữa 2 răng cửa hàm dưới.
Ngoài ra, triệu chứng trẻ bị dính thắng lưỡi khác có thể gặp:
Khó bú ở trẻ sơ sinh
Khó nuốt ở trẻ ăn dặm
Chậm nói
Khó phát âm
Nói ngọng: chủ yếu trẻ phát âm sai các phụ âm: r, s, z.
Trẻ có thể được phát hiện bị dính thắng lưỡi khi được khám ngay sau khi sinh hay khi khám sức khỏe tổng quát định kỳ. Bác sĩ sẽ nâng dây thắng lưỡi lên để xem xét mức độ dính, độ dày và hình dạng của dây thắng lưỡi khi trẻ khóc.
Phân loại dính thắng lưỡi
Có bốn loại dính phanh lưỡi:
1. Dính phía trước của lưỡi, chỉ dính phần màng mỏng gần đầu lưỡi. Loại này thường gặp nhất chiếm khoảng 95%.
2. Dính ở giữa mặt dưới của lưỡi
3. Dính phần xa hơn ở giữa mặt dưới của lưỡi
4. Dính phía sau của lưỡi, dính sàn miệng vào phía sau mặt dưới của lưỡi, không dính ở đầu lưỡi, lớp màng rất dày, loại này rất ít gặp chỉ chiếm khoảng 5%.
Cả 4 loại đều được chia ra thành 3 mức độ:
- Mức độ I: Đầu lưỡi có thể chạm vào vòm khẩu cái cứng, lưỡi hoạt động bình thường, đưa ra trước và hai bên dễ dàng.
- Mức độ II trung bình: Đầu lưỡi không thể chạm vòm khẩu cái cứng, có sự hạn chế chuyển động của lưỡi.
- Mức độ III nặng: Đầu lưỡi hầu như dính vào sàn miệng, di chuyển rất kém, không thể đưa đầu lưỡi lên trên, ra ngoài và sang hai bên.
Theo Kotlow, có 4 mức độ nặng của trẻ bị dính thắng lưỡi:
- Độ 1: Dính thắng lưỡi nhẹ, độ dài thắng lưỡi từ 12 đến 16 mm.
- Độ 2: Dính trung bình, độ dài phanh lưỡi từ 8 đến 11 mm.
- Độ 3: Dính nặng, độ dài từ 3 đến 7 mm.
- Độ 4: Dính rất nặng, độ dài thắng lưỡi chỉ còn dưới 3 mm.
Trẻ bị dính thắng lưỡi có sao không?
Dính thắng lưỡi không chỉ khiến cho trẻ gặp khó khăn trong phát âm, giọng nói bị ngọng nghịu mà còn gây ra nhiều ảnh hưởng khác như:
Gây khó khăn trong việc ăn uống, khi nuốt lưỡi co lại khó khăn, trẻ bú khó, làm biếng ăn và sẽ chậm lên cân.
Mất thẩm mỹ hàm răng vì các răng cửa hàm dưới có thể bị nghiêng hoặc có khe hở giữa 2 răng cửa giữa dưới.
Khi nào cần cắt thắng lưỡi cho bé?
Khi phát hiện trẻ bị dính thắng lưỡi cha mẹ nên đưa trẻ đến khám chuyên khoa Răng Hàm Mặt tại các bệnh viện Nhi để được đánh giá chính xác trẻ mức độ dính thắng lưỡi. Sau đó sẽ xác định có cần phải cắt hay không vì có những trường hợp trẻ bị dính thắng lưỡi ít với dây thắng lưỡi mỏng không cần can thiệp phẫu thuật.
Chỉ định cắt thắng lưỡi tùy thuộc mức độ dính thắng lưỡi nhiều hay ít và có ảnh hưởng đến việc bú, phát âm của trẻ. Thường chỉ cắt sớm dính thắng lưỡi khi thắng lưỡi bị dính nhiều ảnh hưởng đến việc bú của trẻ.
Những trường hợp dính thắng lưỡi gây phát âm khó thì trẻ nên được bác sĩ Răng Hàm Mặt cùng chuyên viên phát âm đánh giá trước mổ vì ngoài nguyên nhân dính thắng lưỡi còn có những nguyên nhân khác làm trẻ phát âm không rõ.
Các chỉ định phẫu thuật cho tật dính phanh lưỡi
Dính lưỡi độ 3 và độ 4.
Dính lưỡi độ 1 và độ 2 có thêm các biểu hiện lâm sàng và rối loạn chức năng lưỡi sau: Khó bú, khó phát âm, khó nuốt, không có khả năng cong lưỡi lên môi trên hoặc môi dưới. Lưỡi không có khả năng cong chạm vòm miệng, khi há miệng thè lưỡi ra ngoài đầu lưỡi bị chẻ hình chữ V.
Kỹ thuật cắt thắng lưỡi tùy thuộc lứa tuổi của trẻ
Nếu có dính thắng lưỡi phần màng thì cắt ngay lập tức. Thủ thuật rất đơn giản, chỉ cần dùng kéo cắt phần màng, không cần thuốc tê, hầu như không chảy máu, rất ít đau, bé bú lại ngay sau khi cắt từ 10 đến 15 phút không làm tổn thương đến tâm lý trẻ về sau, gia đình an tâm không phải lo lắng theo dõi.
Không nên trì hoãn vì càng lớn mạch máu và thần kinh đến nuôi thắng lưỡi sẽ nhiều hơn do vậy sẽ đau hơn, chảy máu nhiều hơn.
Đối với trẻ lớn hơn, trẻ có thể cắt thắng lưỡi dưới gây tê hay gây mê, dùng máy cắt đốt hay dao mổ để cắt thắng lưỡi sau đó khâu lại đợi vài tuần sau vết thương mới lành.
Khi nào không nên cắt phanh lưỡi?
Thủ thuật cắt dính phanh lưỡi tuy đơn giản nhưng không nên thực hiện trong tình huống bé có rối loạn đông máu hoặc có nhiễm trùng răng miệng vì có thể gây các biến chứng nguy hiểm đến bé.
Theo dõi sau phẫu thuật như thế nào?
Tái khám sau 1 tuần và sau 1 tháng để đánh giá kết quả phẫu thuật và khả năng phục hồi chức năng của lưỡi.
Với độ 1 hoặc 2 và không được phẫu thuật thì mỗi 3 - 4 tháng nên khám lại để đánh giá chức năng của lưỡi.
Cách chăm sóc trẻ sau phẫu thuật dính thắng lưỡi
Thông thường, sau phẫu thuật, tại chỗ cắt dính lưỡi thường có vết màu trắng, đó là diễn biến bình thường sau mổ bằng laser, các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng. Các hiện tượng này sẽ hết và vết tổn thương sẽ lành sau một vài tuần.
Cần theo dõi chăm sóc trẻ, không cho trẻ ngậm hoặc cắn các vật cứng để tránh chảy máu, không cho trẻ sờ vào vùng phẫu thuật để tránh nhiễm trùng. Cho trẻ uống thuốc theo đơn của bác sĩ.
Chế độ dinh dưỡng: Sau phẫu thuật trẻ có thể uống sữa hoặc ăn thức ăn lỏng, mềm và nguội.
Vệ sinh miệng sau ăn và tập vận động lưỡi.
Cho trẻ uống nhiều nước để làm sạch miệng.
Trẻ lớn: Hướng dẫn trẻ vận động lưỡi ngay sau mổ, uốn lưỡi lên trên, thò lưỡi ra ngoài.
Trẻ nhỏ: Vệ sinh dưới lưỡi, nâng lưỡi lên trên.
Sau khi vết thương lành nên hướng dẫn trẻ thực hiện vận động lưỡi, giúp lưỡi di động tốt.
Tóm lại, trẻ bị dính thắng lưỡi là một dị tật bẩm sinh nhẹ, điều trị bằng phẫu thuật cũng rất đơn giản nếu không có chống chỉ định. Vì vậy, cha mẹ nên phát hiện sớm bệnh thông qua việc chăm sóc bé hằng ngày. Việc điều trị sớm giúp tránh ảnh hưởng quá lớn đến sự phát triển toàn diện của bé về sau.