"Đây là bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B. Tuy nhiên, nếu bệnh nhi đã mắc các bệnh lý nặng, phức tạp hoặc phải can thiệp phẫu thuật, thì nguy cơ tử vong sẽ cao khi nhiễm thêm Adenovirus", Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), nói khi chủ trì cuộc họp về công tác điều trị bệnh nhi mắc Adenovirus, ngày 23/9. Theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007, bệnh truyền nhiễm nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có khả năng lây truyền nhanh và gây tử vong.
Cuộc họp được diễn ra trong bối cảnh các ca nhiễm Adenovirus tăng đột biến, 7 trẻ tử vong đều kèm theo bệnh nền. Các chuyên gia nhận định việc nhiều trẻ mắc Adenovirus là vấn đề y tế công cộng cần quan tâm.
Theo ông Khoa, các bệnh viện cần bố trí buồng riêng cho bệnh hô hấp, không nằm chung bệnh khác, thực hiện các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn như đeo khẩu trang, khử khuẩn.... để ngăn dịch không bùng phát trong cộng đồng.
"Bộ Y tế sẽ cập nhật và ban hành hướng dẫn điều trị bệnh Adenovirus, trong đó xây dựng tiêu chuẩn nhập viện đối với ca mắc, làm căn cứ cho các bác sỹ khám, chẩn đoán", ông Khoa nói và đề nghị Sở Y tế Hà Nội lên phương án ứng phó khi bệnh nhân gia tăng.
Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết số bệnh nhân viêm đường hô hấp đến khám được phát hiện mắc Adenovirus chiếm nhiều nhất trong các cơ sở khám chữa bệnh tại Hà Nội.
Từ cuối tháng 8 đến nay, số ca bệnh tăng cao, ghi nhận trên 1.400. Trong 2 tuần từ 12/9 đến 21/9, tỷ lệ các ca được phát hiện mắc Adenovirus chiếm 10% tổng số bệnh nhân đến khám tại bệnh viện, 80% là bệnh nhi trú ở các quận huyện Hà Nội.
Riêng ngày 22/9, đơn vị này phát hiện 150 ca, một nửa số bệnh nhân này cần nhập viện. Tại Bệnh viện Bạch Mai và một số cơ sở y tế của Hà Nội cũng ghi nhận gần 100 trẻ được phát hiện nhiễm Adenovirus.
Bệnh viện Nhi Trung ương đã bố trí 300 giường bệnh để thu dung điều trị trẻ nhiễm Adeno theo nhóm bệnh nhẹ, bệnh có tổn thương hô hấp đơn thuần hoặc kết hợp với bệnh lý nền, bệnh kèm theo nặng.
Đơn vị cũng xây dựng tiêu chuẩn nhập viện, theo đó trẻ viêm phổi nhiễm Adenovirus kèm theo một trong các tiêu chuẩn, gồm khó thở, suy hô hấp hoặc giảm oxy máu, SpO2 < 94%; có dấu hiệu toàn thân nặng như không uống thuốc được, co giật, li bì, nhiễm trùng; bệnh nền nặng như phổi mạn, suy dinh dưỡng nặng, suy giảm miễn dịch, bệnh tim mạch nặng...; tổn thương trên X quang phổi.
Viện sẽ chuyển tuyến dưới điều trị trẻ viêm phổi nhiễm adenovirus (điều trị ổn định) kèm theo các tiêu chuẩn không suy hô hấp, SpO2 từ 94% trở lên, không tím tái; giảm khó thở; hết sốt; ăn được bằng đường miệng; các rối loạn nặng đã được kiểm soát.
Các chuyên gia đánh giá tháng 9 là thời điểm nhập học và thời tiết giao mùa nên số trẻ mắc các bệnh hô hấp chiếm 60-70% số trường hợp đến khám, từ đó dẫn tới tình trạng quá tải cục bộ tại một số thời điểm trong ngày, trong tuần. Tuy nhiên, đại diện Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết hiện chưa ghi nhận các ổ dịch Adenovirus trong cộng đồng.